Sau 4 lần thất bại, theo kế hoạch, từ ngày 21-6 đến 18-7 sẽ diễn ra phiên đấu giá quảng cáo lần thứ 5 trên thân xe buýt tại TP HCM. Khác những lần trước, số gói thầu, thời gian tổ chức đấu giá và khung thời gian thuê trong phiên đấu giá thứ 5 được điều chỉnh rất nhiều.
Linh hoạt tối đa
Trong lần đấu giá thứ 5, vị trí cho thuê quảng cáo ở thân xe vẫn tương tự những lần trước, cho phép dán quảng cáo ở 50% diện tích 2 hông xe, kể cả phần sơn và kính (trừ các vị trí sử dụng để thông tin nhận diện, mặt trước, mặt sau và trên nóc). Tuy nhiên, lần đấu giá này, số gói thầu được chia nhỏ tới 71 gói, nhiều nhất từ trước tới nay. Việc đấu giá sẽ thực hiện từ gói số 2 đến 72 (gói số 1 đã đấu giá thành công trong lần đầu tiên tổ chức), đồng thời không tổ chức 1 ngày mà chia nhiều đợt, từ 21-6 đến 18-7, tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM (số 19/5 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình).
Các đơn vị khi đấu giá có thể chọn thời gian thuê 6 tháng, 1 năm, 2 năm và tối đa 3 năm. Mức phí đặt trước khi tham gia cũng tương ứng là 5% với hợp đồng 3 năm, 7% của hợp đồng 2 năm, 10% với hợp đồng 1 năm và 15% cho hợp đồng 6 tháng. Trong số 71 gói thầu được công bố, gói thấp nhất chỉ 4 xe, với giá khởi điểm khoảng 205 triệu đồng cho thời gian thuê 6 tháng và hơn 1,2 tỉ đồng trong 3 năm.
Theo Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TP, lần này giá trị hợp đồng của từng gói xác định theo kết quả đấu giá được phê duyệt. Trường hợp cùng 1 gói thầu nếu có từ 2 đơn vị tham gia trở lên, thời gian đề xuất và trả giá khác nhau thì sẽ quy về giá trị gói đã trả có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn nhất để xét kết quả trúng thầu. Còn sau khi quy về cùng mốc thời gian thực hiện hợp đồng ngắn nhất nhưng giá trị gói đề xuất của đơn vị tham gia trả giá vẫn bằng nhau thì đơn vị đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn sẽ trúng đấu giá.
Quảng cáo trên thân xe buýt nếu khai thác hiệu quả sẽ đem về số tiền không nhỏ Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết trước khi tổ chức phiên đấu giá này, phía trung tâm đã trao đổi nhiều lần với các đơn vị quảng cáo nhằm tiếp thu và đánh giá kỹ nhu cầu, các hướng tiếp cận. Phương án đưa ra lần này là tổ chức mỗi tuyến xe một gói thầu nhằm tạo điều kiện, phù hợp với nhu cầu cũng như năng lực của doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, chia thành nhiều đợt đấu giá, giúp DN có nhiều cơ hội và sự lựa chọn hơn, không bó buộc chỉ một đợt như những lần trước.
Cần nêu cụ thể từng gói thầu, đối tượng, lợi thế
Ông Trần Chí Trung cho biết thêm những lần đấu giá trước, ý kiến từ một số DN cho rằng mức giá cao, các gói thầu lớn, thời gian thuê cũng kéo dài, trong khi DN không được hưởng toàn bộ thời gian thuê ở hợp đồng (do nhận bàn giao, tìm đối tác thuê, dán quảng cáo, nghiệm thu...). Vì vậy, những yêu cầu và mức khung đưa ra trong lần đấu giá thứ 5 đã được đánh giá kỹ và các khung yêu cầu cũng đã ở mức tối thiểu. "Trong điều kiện các gói thầu được chia nhỏ theo từng tuyến, khung thời gian tham gia cũng rất rộng nên sau khi đấu giá, nếu vẫn có những gói không có nhu cầu thì chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá và có báo cáo đưa ra phương án cụ thể nhằm cho thuê quảng cáo" - ông Trung khẳng định.
Theo bà Phạm Khánh Hà, giảng viên chuyên ngành marketing, nhu cầu quảng cáo của DN đôi khi chỉ muốn khai thác khoảng vài tháng, thậm chí vài tuần và thuê ở vài xe chứ không thuê gói. Do đó, với thời gian thuê được tính toán lại linh hoạt, các gói thầu nhỏ được đưa ra nên khả năng kéo quảng cáo về cho xe buýt trong lần thứ 5 đấu giá này chắc chắn sẽ khả thi hơn.
Ngoài thuận lợi trên, theo bà Khánh Hà, vẫn còn một số nguyên nhân khiến quảng cáo trên xe buýt khó thu hút DN, đó là đơn vị cung cấp dịch vụ chưa xác định và chứng minh lợi ích có thể mang lại khi DN thuê. "Hành vi và hướng tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng hiện rất đa dạng, trong khi các hình thức quảng cáo trực tuyến qua truyền hình, các kênh như Facebook, Google... cũng tràn ngập. Tuy nhiên, ngoài mặt phải cạnh tranh, chính sự đa dạng của những hình thức quảng cáo trên internet này lại tạo ra một môi trường quảng cáo bị phân tán. Đó cũng chính là một lợi thế đối với quảng cáo trên xe buýt khi có thể giải quyết được sự phân tán này" - bà Khánh Hà phân tích.
Vì vậy, để hiệu quả hơn trong việc thu hút DN tham gia, bà Khánh Hà cho rằng phía cung ứng dịch vụ cần đưa ra các đánh giá cụ thể như ở từng gói thầu, tương ứng mỗi tuyến xe, đối tượng nào chịu tác động nhiều nhất. "Chẳng hạn, tuyến xe đó bắt buộc đi qua nhóm đối tượng nào, lượng khách trung bình, đối tượng thường dừng chờ ở các trạm - liên tục nhìn thấy sản phẩm quảng cáo... Những vấn đề này sẽ giúp DN chủ động hơn trong đánh giá cũng như tăng nhu cầu tham gia" - bà Khánh Hà tư vấn.
Cần xác định mình là người bán hàng
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, cho biết quảng cáo trên thân xe buýt là vấn đề đã được HĐND TP chủ động giao UBND TP. Tuy nhiên, sau những lần tập trung giám sát và khảo sát, HĐND TP cũng lưu ý các đơn vị liên quan như Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng... cần thực hiện hiệu quả các phương án để thu hút DN tham gia, cần xác định mình là người bán hàng.
Theo ông Bình, quảng cáo trên xe buýt cũng là một trong những vấn đề TP chú trọng và định hướng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hệ thống bến bãi, hạ tầng cho xe buýt, từng bước xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực nhằm giúp trợ giá xe buýt giảm xuống.
"Mục đích chính của TP là hệ thống vận tải hành khách công cộng - hiện nay chủ lực là xe buýt - phát triển, nâng dần nhu cầu của người dân đi lại bằng xe buýt, tăng sản lượng hành khách" - ông Bình nói.
Bình luận (0)