xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đường Vành đai 3: Sẵn sàng về đích

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các địa phương có đường Vành đai 3 TP HCM đi qua đã chuẩn bị kỹ phương án bố trí nguồn vốn và đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Theo dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội (QH) đang diễn ra, ngày mai, 6-6, QH sẽ thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM (gọi tắt là đường Vành đai 3).

Đã rất cấp bách

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, nhấn mạnh nhu cầu xây dựng đường Vành đai 3 là rất bức thiết bởi sự quá tải về hạ tầng giao thông tại TP HCM ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. "Sự phát triển của thành phố đã thu hút sự chuyển dịch dân cư và các hoạt động đầu tư - kinh doanh vào trung tâm, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên là báo động rất lớn về công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn, trong đó có TP HCM" - ông Lộc chỉ rõ.

Khẳng định bây giờ là lúc cần phải giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông, giảm áp lực cho giao thông nội đô TP HCM và tăng cường kết nối để mở rộng không gian phát triển, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng việc đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 có thể giải quyết các vấn đề này. "Giao thông đi đến đâu sẽ mở ra không gian cho phát triển kinh tế đến đó. Đường Vành đai 3 có thể giúp mở rộng không gian, tạo lối mở quan trọng cho đầu tàu kinh tế phía Nam, từ đó lan tỏa đến các địa phương lân cận cũng như toàn vùng kinh tế. Nói rộng ra, việc xây dựng con đường này không phải chỉ cho TP HCM mà còn cho cả vùng, cả nước" - ông Lộc nhận định.

Đường Vành đai 3: Sẵn sàng về đích - Ảnh 1.

Các địa phương đang rốt ráo chuẩn bị các phương án để hoàn thành dự án đường Vành đai 3 một cách sớm nhất khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Trong ảnh: Đường Vành đai 3 đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (tỉnh Bình Dương) đã hoàn thành và đang khai thác Ảnh: THẢO NGUYỄN

"Phải đi khảo sát rồi mới thấy việc xây dựng tuyến Vành đai 3 cũng như các tuyến cao tốc phía Nam là hết sức cần thiết và cấp bách. Không chỉ tôi mà nhiều thành viên của đoàn khảo sát đều cho rằng nếu đường Vành đai 3 được đầu tư sớm hơn nữa thì đã có thể phát huy được hiệu quả tốt hơn rất nhiều" - ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, nhận định sau chuyến khảo sát thực tế một số nút giao của tuyến Vành đai 3 mới đây.

Ghi nhận các địa phương rất quyết tâm thực hiện dự án, khi hầu hết đều cam kết sẽ có phiên họp HĐND bất thường nhằm bảo đảm nguồn vốn bố trí, kể cả vốn điều chỉnh tăng thêm, ông Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý TP HCM cần làm rõ vai trò đầu mối, chỉ rõ sự phối hợp, tham gia của các địa phương trong thi công, kết nối và thực hiện các dự án thành phần bên cạnh việc quan tâm đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). "Phải có các giải pháp kỹ thuật để xử lý, làm rõ các vấn đề nhằm đẩy nhanh tiến độ, thực hiện dự án sớm nhất có thể. Các địa phương phải hoàn thành tổng thể đồng bộ, khép kín toàn tuyến thì mới phát huy hết tác dụng của tuyến" - ông Thanh đề nghị.

Hỗ trợ tái định cư cho người dân

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt Ban Giao thông), cho biết sau khi dự án được QH quyết định chủ trương đầu tư, UBND TP HCM, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Ban Giao thông sẽ khẩn trương thực hiện nhiều đầu việc. Cụ thể, cùng với việc hoàn tất hồ sơ, thủ tục của dự án, thành phố sẽ đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá; xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định; xây dựng các chính sách đào tạo nghề, sinh kế. Từ đó, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường, GPMB.

Một trong những nội dung quan trọng, theo ông Lương Minh Phúc, là chuẩn bị nguồn vốn cho dự án. Trong giai đoạn 2023-2024, nguồn vốn ngân sách TP HCM tham gia dự án là 13.326 tỉ đồng. Thành phố có điều kiện thu ngân sách nhà nước lớn, dự kiến huy động được nguồn thu khi phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Trong trường hợp cần thiết, sẽ báo cáo Chính phủ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để bảo đảm nguồn vốn cho dự án theo tiến độ đề ra.

Về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân, ông Phúc cho hay theo kết quả khảo sát, có khoảng 3.863 hộ bị ảnh hưởng liên quan đến dự án. Trong đó, khoảng 1.476 hộ dự kiến được bố trí tái định cư gồm: TP HCM 741 hộ, Đồng Nai 100 hộ, Bình Dương 515 hộ và Long An 120 hộ. Các địa phương đã sơ bộ hình thành phương án tái định cư theo quy định như: chuẩn bị địa điểm, số lượng nền, căn hộ... Riêng địa bàn tỉnh Bình Dương, dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo nơi ở mới.

Với 741 hộ tái định cư, TP HCM dự kiến bố trí tại TP Thủ Đức 228 trường hợp, huyện Củ Chi 36 trường hợp, huyện Bình Chánh 452 trường hợp và 25 trường hợp ở huyện Hóc Môn. TP HCM đã chuẩn bị đủ số lượng nền, căn hộ phục vụ tái định cư.

Về chuẩn bị nguồn vật liệu cho dự án, ông Lương Minh Phúc dẫn chứng thực tiễn triển khai các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2021 đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn cung vật liệu. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu vật liệu tăng đột biến để triển khai cùng lúc nhiều dự án trong khi thủ tục thành lập mỏ mới, gia hạn và nâng công suất các mỏ đang khai thác rất phức tạp, cần nhiều thời gian. Bởi vậy, với dự án này, UBND TP HCM đã cùng các tỉnh, Ban Giao thông khảo sát, tính toán sơ bộ khối lượng vật liệu chính sử dụng cho dự án và các mỏ vật liệu trong khu vực. Theo đó, dự án cần khoảng 7,1 triệu m3 vật liệu đắp; 2,1 triệu m3 đá dăm và đá xây dựng; khoảng 0,5 triệu m3 cát xây dựng. "Với khối lượng này, các mỏ vật liệu trong khu vực hoàn toàn bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu thông thường cho dự án" - ông Phúc khẳng định.

Cam kết bố trí đủ vốn

Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết tổng diện tích GPMB để thực hiện hơn 11 km đường Vành đai 3 đi qua tỉnh Đồng Nai là khoảng 65 ha, trong đó có hơn 45 ha đất nông nghiệp. Kinh phí GPMB phục vụ dự án đi qua địa bàn tỉnh là 651 tỉ đồng. HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết bố trí ngân sách đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với tổng số tiền khoảng 1.934 tỉ đồng. "Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư, Đồng Nai cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với phần vốn tăng thêm theo đúng quy định" - đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai khẳng định.

Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cũng đã yêu cầu UBND tỉnh nghiên cứu phương án thu hút đầu tư và khai thác các quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Đồng Nai kết hợp với quy hoạch chỉnh trang đô thị để tạo nguồn vốn tham gia thực hiện đầu tư dự án và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tỉnh Đồng Nai đã tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến Vành đai 3 và sẽ kêu gọi xúc tiến đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp...

Với tỉnh Long An, ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết theo phương án trình QH, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án thành phần đi qua địa phương. Theo ý kiến của Thường trực UBND tỉnh Long An, dự kiến dự án GPMB sẽ giao huyện Bến Lức làm chủ đầu tư, còn dự án làm đường thì giao Sở GTVT làm chủ đầu tư. Về nguồn vốn, trung ương phân bổ 75% và địa phương 25%. Theo nghị quyết bố trí vốn do HĐND tỉnh thông qua, giai đoạn đầu bố trí 81% tổng số vốn địa phương phải thu xếp, tương đương 1.852 tỉ đồng; còn 19% vốn thuộc giai đoạn 2026-2027 theo tiến độ trình QH.

Tại tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT, cho biết với đoạn qua Bình Dương dài hơn 26 km, tỉnh đã chủ động đầu tư đưa vào sử dụng 15,3 km đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn; hiện còn 10,7 km chưa đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỉ đồng.

Tỉnh Bình Dương đã được Thủ tướng đồng ý phân bổ ngân sách trung ương và tỉnh theo tỉ lệ mỗi bên 50%, thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh Bình Dương kiến nghị bố trí phần vốn của trung ương trong 2 năm 2023-2024. Với phần vốn còn lại, tỉnh sẽ quyết tâm bố trí để hoàn thành đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh trong năm 2024 (sớm 3 năm). "HĐND tỉnh đã thông qua cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần qua địa bàn, bảo đảm phù hợp theo báo cáo tiền khả thi được QH thông qua. Trường hợp dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư, Bình Dương cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh với phần vốn tăng lên theo đúng quy định" - ông Minh khẳng định. 

Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km, bao gồm: TP HCM: 47,51 km, Đồng Nai: 11,26 km, Bình Dương: 10,76 km, Long An: 6,81 km. Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Đường Vành đai 3 được đầu tư thành đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Dự án sơ bộ có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỉ đồng. Dự kiến, dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo