Đã uống rượu, bia không được lái xe
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1-1-2020 nghiêm cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Cũng từ thời điểm này người dân phải chọn đã uống bia rượu thì không lái xe. Kể cả lái xe đạp, xe đạp điện, xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự… cũng không được uống được uống bia rượu. Như vậy, quy định mới sẽ cấm hoàn toàn và không còn quy định nồng độ cồn trong máu trên ngưỡng 50mg/100ml máu mới vi phạm luật như hiện hành.
Tới đây sẽ cấm hoàn toàn những người lái xe uống rượu bia - Ảnh: Sỹ Đông
Cấm ép người khác uống rượu, bia
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.
Đây là yêu cầu đối với tất cả cơ sở bán rượu, bia. Cụ thể, Khoản 5, Điều 32 của Luật chỉ rõ: "Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi".
Cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi
Quán nhậu hỗ trợ khách gọi taxi sau uống rượu, bia
Cũng tại Điều 32, Khoản 6 có quy định: "Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia".
Không mở mới điểm bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện
Kể từ 1-1-2020, không được mở mới các điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
Không quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ trong khung giờ "vàng"
Đối với việc quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị nghiêm cấm. Riêng trong trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại Khoản 3, Điều 12 của Luật, cụ thể: Cụ thể, không quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18h - 21h hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài… Không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em. Không quảng cáo trên phương tiện giao thông…
Sẽ có thêm nhiều điểm cấm uống rượu bia?
Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ngoài các địa điểm cấm theo điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia gồm: công viên; trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát; sân vận động, nhà thi đấu thể thao.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm do lái xe sử dụng rượu bia - Ảnh: Đình Thi
Đề xuất nâng tối đa mức phạt
Trong khi đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đang được Bộ Giao thông - Vận tải lấy ý kiến cũng đề xuất nâng tối đa mức phạt với lái xe sử dụng rượu, bia. Theo dự thảo, hầu hết các hành vi vi phạm khi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn đều bị phạt với mức rất cao. Đối với mô tô, xe máy, dự thảo đề xuất tăng mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng lên mức 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ 50 mg đến 80 mg/100ml máu hoặc từ 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở; tước bằng lái xe từ 16 đến 18 tháng thay vì từ 1 đến 3 tháng so với quy định hiện hành. Riêng với ô tô, mức phạt tối đa với chủ phương tiện có thể lên tới 40.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng… Có thể nói, đây là mức phạt "kỷ lục" về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông - vận tải.
Người Việt ngập trong bia rượu
Thống kê cho thấy Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỉ lệ uống rượu, bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỉ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Vị thành niên và thanh niên uống rượu bia đã tăng gần 10% sau 5 năm.
Theo kết quả nghiên cứu được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Hội An toàn giao thông Việt Nam, công bố hành vi uống rượu, bia sau đó vẫn lái xe rất phổ biến tại Việt Nam. Tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia chiếm 68% (trong đó, xe máy chiếm 62%, ô tô chiếm 6%). Tỉ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ sau khi uống rượu, bia rất cao: 36% số người không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.
Bình luận (0)