Theo công bố của Bộ Công Thương về chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào chiều 18-12, tổng chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) này là hơn 332.000 tỉ đồng, bao gồm chi phí sản xuất - kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Năm 2018: EVN lãi gần 700 tỉ đồng
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/KWh, tăng 3,58% so với năm 2017. Tổng chi phí khâu phát điện là 255.679,98 tỉ đồng, tương ứng giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng/KWh. Như vậy, so với năm 2017, chi phí khâu phát điện năm 2018 đã tăng.
Trong năm 2018, tổng lượng nước về hồ chứa thủy điện đạt khoảng 365 tỉ m3, thấp hơn khoảng 12 tỉ m3 so với năm 2017, do đó sản lượng điện từ thủy điện giảm, dẫn đến sản lượng điện huy động từ các nguồn điện khác như nhiệt điện than, tua-bin khí, năng lượng tái tạo cao hơn so với năm 2017.
Ông Tuấn nói mặc dù giá than nội địa ổn định trong năm 2018 nhưng giá than nhập khẩu tăng mạnh. "Giá than nhập khẩu tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu như Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3" - ông Tuấn nói. Bên cạnh đó, các vấn đề về giá dầu, tỉ giá cũng tác động đến việc sản xuất - kinh doanh của ngành điện.
Đưa điện về vùng caoẢnh: Minh Phong
Theo Bộ Công Thương, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 của EVN là 192,36 tỉ KWh, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là hơn 332.983 tỉ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đồng/KWh, tăng 4,3% so với năm 2017.
Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi gần 700 tỉ đồng, tương ứng tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%. Trong khi đó, tổng cộng hoạt động sản xuất - kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động có liên quan giúp EVN lãi tới 2.792,08 tỉ đồng.
Huy động nguồn điện chạy dầu
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, vẫn còn một số chi phí chưa được tính đủ trong giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2018.
Điển hình là một phần khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỉ giá của cả năm 2017 với tổng số tiền hơn 3.090 tỉ đồng được treo lại do năm 2018 không điều chỉnh giá bán điện.
Về bức tranh ngành điện năm 2020, đại diện Bộ Công Thương cho biết dự báo sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỉ KWh, tăng 9,1% so với năm 2019. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ đưa vào vận hành.
Từ những yếu tố khó khăn trên, Bộ Công Thương thấy rằng trong năm 2020, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện tua-bin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Để bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỉ KWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao.
Bình luận (0)