xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gạc Ma khắc cốt ghi tâm: Mẹ già còn một ước vọng

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Đã 30 năm trôi qua nhưng nước mắt vẫn rơi trong thương nhớ, lời hứa "con đi sẽ về với mẹ" giờ đây chỉ còn là nỗi khắc khoải trong lòng người mẹ Gạc Ma

Ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Núi Thành, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng giờ chỉ còn mình bà Huỳnh Thị Kế (86 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn - người có mặt trên tàu HQ 604 và hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988) sinh sống. Với bà Kế, đứa con trai độc nhất ấy như chưa bao giờ rời xa.

Mong có nhà để lập bàn thờ cho con

Căn nhà cấp 4 cũ kỹ, xập xệ. Ngoài sân, đập vào mắt chúng tôi là am thờ nhỏ với di ảnh liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn khoác áo lính hải quân. Bao nhiêu năm nay, bà Huỳnh Thị Kế ngược xuôi, vất vả hết phường đến quận, hết quận đến sở chỉ mong xin được một mái nhà tình nghĩa cho đứa con liệt sĩ có nơi thờ tự đàng hoàng.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Kế không khỏi tự hào khi nhắc những kỷ niệm về đứa con trai duy nhất. "18 tuổi, hắn theo tiếng gọi Tổ quốc, xách ba lô lên đường ra đảo làm nhiệm vụ. Tôi cũng cản hắn nhiều lắm, nói rằng mẹ chỉ có mình con, nếu con có bề gì thì tuổi già mẹ sống làm sao" - bà Kế thuật lại.

Gạc Ma khắc cốt ghi tâm: Mẹ già còn một ước vọng - Ảnh 1.

Bà Huỳnh Thị Kế bên am thờ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn được đặt ở ngoài sân

Thế nhưng, người mẹ ấy không cản lại được tình yêu Tổ quốc bùng cháy trong tim người thanh niên trẻ. Ông Đoàn nhẹ nhàng khuyên nhủ mẹ bình tâm để mình lên đường làm nhiệm vụ. Ngày nghe tàu HQ 604 gặp nạn trong trận chiến với Trung Quốc, bà loáng thoáng hay tin nhiều chiến sĩ trên tàu đã hy sinh. Bà đi khắp nơi hỏi thăm tung tích con, ai cũng khẳng định ông Đoàn đã hy sinh rồi. Bà ngã quỵ khi nghe tin ấy.

Khi đó, chồng bà Kế còn sống nên hai vợ chồng đã lập bàn thờ cho liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn. Sau này, khi ông sắp qua đời, bàn thờ của liệt sĩ Đoàn phải dời ra ngoài sân. Từ đó đến nay, di ảnh của ông nằm ngoài trời, nắng mưa nhạt nhòa nên bà bao lần phải đi họa lại.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa năm 1984-1988 ở Đà Nẵng, cho biết ngôi nhà bà Kế đang ở là tài sản tranh chấp giữa bà và các con trai riêng của người chồng quá cố. Vì vậy, những người con trai không đồng ý cho bà Kế tiếp tục ở căn nhà trên, đồng thời không cho lập bàn thờ liệt sĩ Đoàn ở trong nhà nên bà phải lập am thờ ngoài sân.

Ông Nguyễn Văn Tấn đã nhiều lần can thiệp với chính quyền, UBND phường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng để xin cấp cho bà một lô đất. Lữ đoàn Công binh E83 cũng mới thông báo trước tháng 7 này, nếu bà Kế được cấp đất, họ sẽ đưa người sang xây cho bà một căn nhà tình nghĩa. "Tôi cũng khẩn thiết xin các cấp chính quyền hãy cấp cho bà Kế một mảnh đất nhỏ để bà làm nơi thờ tự liệt sĩ Đoàn" - ông Tấn đề nghị.

Tuổi già chưa nguôi cơ cực

Đồng cảnh ngộ là bà Nguyễn Thị Trước - mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi (SN 1968, hy sinh trong trận Gạc Ma 1988). Hiện tại, bà Trước cùng 2 con trai là Phạm Văn Long và Phạm Văn Tâm sống ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Hoàn cảnh khó khăn, ông Long không lập gia đình, hằng ngày làm phụ hồ và chăm lo cho mẹ già cùng em trai bị bệnh Down. Bà Trước nay đã 85 tuổi, sống dựa vào khoản trợ cấp liệt sĩ ít ỏi hơn 1 triệu đồng/tháng.

Gạc Ma khắc cốt ghi tâm: Mẹ già còn một ước vọng - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Trước và con trai bên bàn thờ của liệt sĩ Phạm Văn Lợi

Theo bà Trước, ngày đi Trường Sa làm nhiệm vụ, ông Lợi chỉ thông báo vỏn vẹn với gia đình: "Con đi ra đảo làm lính hải quân đây ạ!". Nói rồi, ông xách ba lô lên đường.

"Bạn hắn, mấy đứa ở Hòa Cường đi nhiều lắm, theo bạn theo bè nói đi bảo vệ Tổ quốc nên tôi nghe vậy và cũng ủng hộ chứ không có cản trở chi" - bà Trước nói.

Đi lính được 1 năm, ông Lợi về nhà ăn Tết với gia đình đúng 2 ngày rồi lại tiếp tục ra đảo. Đó là lần cuối mẹ Trước còn gặp con vì đến ngày 14-3-1988, ông Lợi tham gia trận Gạc Ma và hy sinh.

"Tôi nhớ như in đó là ngày 26 tháng giêng. Nghe người dân ở Hòa Cường đồn râm ran, tôi và ổng cũng đoán rằng con mình đã hy sinh rồi. Thôi thì con hy sinh cho Tổ quốc cũng là niềm tự hào chớ sao. Chỉ tội rằng khi hắn sống ở nhà chưa có bữa cơm no vì gia đình quá khổ cực" - bà Trước nghẹn ngào.

Bây giờ, trong căn nhà cấp 4 nằm trên đường Lưu Nhân Chú, quận Cẩm Lệ, bà Trước hằng ngày tự đi chợ, nấu ăn và chăm lo cho người con trai út đã hơn 40 tuổi mà vẫn ngây ngô như một đứa trẻ.

"Nếu thằng Lợi còn sống, chắc hắn sẽ chăm lo cho thằng Tâm chu đáo vì Lợi là đứa siêng năng, cần cù và ham học nhất nhà" - bà Trước tâm sự. 

"Tình hình ngoài này hiện nay rất nghiêm trọng, Trung Quốc đưa nhiều tàu và quân đội đến để chiếm đảo… Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ...

Trước lúc ra đi, con chỉ dặn ba má như thế này. Khi ba má nhận được bức thư này thì ba má không phải viết thư trả lời cho con nữa. Con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào. Không có địa chỉ và ba má cũng đừng trông thư con nữa…".

(Trích bức thư liệt sĩ Trần Văn Phương viết tại Cam Ranh, đề ngày 8-3-1988. Gia đình nhận được thư chỉ 5 ngày trước khi ông mất trong trận Gạc Ma. Bức thư đến nay vẫn được mẹ ông là bà Hồ Thị Đức - 81 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình - gìn giữ cẩn thận).

M.TUẤN ghi

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-3

Kỳ tới: Viết tiếp ước mơ cha

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo