Phóng viên Zing.vn đến làng Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) khi cuộc khủng hoảng dùng lụa Trung Quốc giả danh hàng Việt của thương hiệu Khaisilk do ông Hoàng Khải sở hữu chưa hạ nhiệt. Nha Xá chính là nơi được ông chủ Khaisilk thông tin là nguồn cung hàng lụa Việt xịn cho doanh nghiệp này.
Nha Xá là làng lụa hàng trăm năm tuổi. Tương truyền khi xưa, tướng nhà Trần là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đi thuyền qua đây, thấy đất tốt, dân lại nghèo nên ông đã chỉ cho dân cách trồng dâu, ươm tơ và dệt lụa.
Nghe lời dạy, người dân trong làng đã làm ra rất nhiều tấm lụa đẹp, cung cấp cho dân làng, tổng. Tiếng lành đồn xa, thương lái tìm đến nhiều. Một thời có cả nghề gánh lụa thuê ra sông Hồng đưa lên thuyền, các thuyền chuyển về kinh thành và phân phối đi khắp nơi.
Lụa ở đây mềm, mịn, bền và đẹp nên được xếp thứ hai trong số những làng lụa của nước Việt, chỉ đứng sau lụa Vạn Phúc.
Chật vật giữ nghề truyền thống
Đường vào Nha Xá tràn ngập những bông hoa sam đủ sắc màu. Men theo con sông chảy giữa làng, tiếng máy rộn ràng thay cho âm thanh khung cửi, thoi đưa trong văn thơ xưa cũ.
Việc trồng dâu, nuôi tằm giờ đã vắng bóng ở vùng đất lụa này. Anh Lương Văn Giới, thôn Từ Đại (xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên) đã gắn bó với nghề lụa được 30 năm nay, kể ngày trước cả làng nhộn nhịp, cứ 10 nhà thì 6 nhà nuôi tằm. Sau này, số người nuôi tằm ngớt dần.
Chị Toản ở thôn Từ Đại (xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên) - một xã cạnh Nha Xá, vừa khoe mấy bức ảnh được một nhiếp ảnh gia gửi tặng từ vài năm trước, vừa tiếc nuối: “Nhà tôi cũng nuôi tằm mấy chục năm, nhưng rồi cũng không hiệu quả mấy. Người ta thích dệt tơ từ Lâm Đồng nên tôi đành chuyển hướng đi buôn tơ”.
Gia đình chị đã giã từ việc nuôi tằm từ hai năm nay.
Số phận những người quay tơ như gia đình anh Giới cũng không khác nhiều lắm. Làng lụa 600 năm tuổi này chỉ còn 2 gia đình vẫn tự quay sợi. |
Anh Tới cho biết gia đình anh gắn bó với nghề từ năm 1986. Trước đây, tại Nha Xá, khoảng 60% hộ dân trong làng sống nhờ nghề, giờ chỉ còn 1%. Hiện nay, phần lớn tơ ở làng Nha Xá được nhập từ Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Theo anh Giới, một phần nguyên nhân do nguồn nguyên liệu từ phía Bắc như Yên Bái, Sơn La không còn dồi dào như trước đây, còn các vùng như Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… ngừng hẳn việc cung cấp kén tơ.
Bên cạnh đó, phải cạnh tranh với thị trường miền Nam nên thị trường miền Bắc không còn tồn tại.
Giá tơ vì thế cũng tăng dần, từ 100.000 đồng mỗi kg kén lên đến 170.000 đồng. Cùng với giá thành vận chuyển, thuê nhân công, tu sửa nhà xưởng thì chủ hộ cũng không còn lời lãi là bao.
“Để thu được 1 kg tơ với giá 1,3 triệu đồng phải dùng đến 7 kg kén giá 1,2 triệu đồng. Ngoài tơ thu được thì một số sản phẩm thừa từ kén vẫn tái tạo được nhưng cũng không đáng bao nhiêu”, anh Giới cho biết.
Trước đây, anh thuê 7 người để làm công việc kéo tơ, nhưng hiện nay chỉ còn 4 thợ với mức lương 120.000 đồng một ngày công. Một số máy móc không người dùng vẫn xếp trong xưởng.
Tỉ mẩn nghề lụa
Để làm nên một tấm lụa, người ta phải nhập tơ, quay tơ, rồi mới đưa qua máy dệt. Tấm lụa mộc dệt xong lại đem ra tẩy, nhuộm màu rồi phơi khô. Mỗi công đoạn đều có cách làm riêng, rất kỳ công và tỉ mẩn, đòi hỏi người thợ thật chuyên tâm, tinh tường.
Kén ban đầu được luộc lên để chuẩn bị kéo tơ sau đó sẽ được thả vào ngăn nước nóng. Kén không đạt tiêu chuẩn sẽ chìm xuống nước, còn lại được người thợ kéo tơ và đưa vào guồng máy.
Những con kén vuông thành sắc cạnh, trắng trẻo sẽ cho tơ tốt. Kén được bảo quản ở hầm lạnh để giữ độ tươi trước khi đem đi kéo tơ. Tơ đạt chuẩn là sợi tơ nhỏ, sáng óng ánh, trên sợi không có vết gợn nào.
Từ sợi tơ tằm tuỳ theo chất lượng tơ và cách xoắn, sợi tơ sẽ có các loại với chất lượng khác nhau. Trước khi dệt thành vải, tơ được ngâm trong nước cho mềm sợi rồi được đặt lên khung.
Tuỳ vào số lượng sợi mà vải lụa sẽ điều chỉnh độ dày mỏng, tạo nên nhiều loại vải lụa phong phú với đủ độ mỏng, rủ, trong, bóng hay mềm, cứng, óng ánh. Kiểu dệt cổ truyền của Việt Nam là phối hợp pha trộn các loại sợi dọc và ngang để tạo ra những mặt hàng khác nhau.
Sau khi dệt thành tấm, được ngâm trong nước nóng để làm sạch hết lớp keo bám, lụa được mang đi nhuộm màu.
Trước đây, người ta dùng các nguyên liệu lấy từ thiên nhiên như vỏ cây, lá cây, các loại củ như củ nâu… để nhuộm vải. Ngày nay, kỹ thuật nhuộm hiện đại với phẩm màu công nghiệp đem lại cho lụa tơ tằm những màu sắc đa dạng, sắc nét và rực rỡ hơn, đã góp phần tạo nên các loại vải lụa tơ tằm với nhiều màu, hoa văn độc đáo.
Để nhuộm 100 m vải, người ta cần khoảng 2 gram thuốc nhuộm trong nhiệt độ 100 độ C. Thời gian để thuốc ngấm đều vải mất khoảng 30 phút.
Làng Nha Xá có hai hình thức làm khô vải sau khi nhuộm. Theo phương thức thủ công từ đời xưa, người thợ sẽ mang vải phơi dưới ánh nắng mặt trời. Khi đó, nước nhuộm sẽ se lại trong từng sợi tơ, tạo nên màu sắc bắt mắt.
Bên cạnh đó, có xưởng sản xuất sử dụng hệ thống máy cán lụa, giản tiện khâu phơi cũng như những ngày thời tiết không thuận lợi, giúp đảm bảo sản phẩm đáp ứng cho thị trường.
Những làn sóng mới
Ông Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá, cho biết hiện nay làng có 150 hộ sản xuất và kinh doanh với gần 400 máy dệt, cho sản lượng 1.200-1.500 m lụa mỗi tháng.
Những xưởng lớn có hàng chục máy dệt, những máy dệt lớn chuyên sản xuất sản phẩm có chất lượng cao cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Trong làng hầu như không còn hộ dệt thủ công, người ta chuyển sang dùng máy cho năng suất cao hơn mà chất lượng cũng không thua kém gì dệt tay.
Mỗi vùng miền làng nghề có một sản phẩm đặc trưng khác nhau: “Nha Xá có thể đáp ứng mọi giá thành, một chiếc khăn có thể giá 70.000-200.000 đồng vẫn đảm bảo chất liệu tơ tằm, độ dày dặn màu sắc”, ông nói.
Trước kia, gia đình nào ở Nha Xá cũng làm đủ các công đoạn. Nhưng nay, hầu hết hộ đều gia công từng khâu riêng biệt. Hộ chỉ dệt, hộ chuyên nhuộm. Chính vì vậy, chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản lượng lớn hơn.
Nhiều mặt hàng mới ra đời như hàng đũi, tơ se, hàng lụa hoa, hàng lanh... sức lao động được giải phóng góp phần tăng năng suất lên gấp đôi, chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp tục được nâng cao.
Từ Nha Xá, nghề dệt đã lan rộng sang nhiều vùng xung quanh như Lảnh Trì, Chuyên Ngoại, Hòa Mạc, Đồng Văn... tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm gia đình.
Thế nhưng, cùng với việc sử dụng máy móc hiện đại, từ lúc mỗi thợ chỉ đứng trông được một máy dệt, bây giờ một người có thể đảm nhiệm 4 máy, giảm đáng kể nhân lực sản xuất.
Người trẻ đi nơi khác lập nghiệp, một số thì làm tại các khu công nghiệp ở địa phương, chỉ những người nhiều tuổi không có khả năng xin việc khác thì vẫn bám trụ với nghề.
"Con đường tơ lụa" chông chênh
Đã có thời gian lụa Nha Xá bị cạnh tranh quyết liệt bởi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn sang.
“Lúc ấy có nhiều hộ đã phải bỏ nghề nhưng vẫn còn những hộ tâm huyết với nghề lụa mà thương hiệu lụa Nha Xá được gìn giữ bền vững cho đến ngày nay", ông Tuấn - một người dân Nha Xá nói.
Thời gian gần đây, dư luận được một phen dậy sóng trước thông tin doanh nhân Hoàng Khải, người sáng lập thương hiệu Khaisilk, nhập hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam, và chính ông Khải cũng thừa nhận, sản phẩm của ông nhập từ nước ngoài 50%, còn lại lấy ở làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, chủ yếu là làng Nha Xá.
“Ông chủ Khaisilk nói nhập 50% lụa từ làng tôi là không đúng. Lượng mua tơ lụa của Khaisilk ở đây vài năm nay gần như không có hoặc có cũng không đáng kể”, ông Quảng khẳng định.
“Phần lớn tơ lụa của làng được bán trong nước và xuất khẩu nên vụ việc đáng tiếc đó xảy ra không làm ảnh hưởng đến nhịp độ sản xuất của chúng tôi”, ông nói thêm.
Chị Hà - một chủ xưởng ở làng Nha Xá - cho biết nếu cơ sở biết cách thay đổi mẫu mã sản phẩm liên tục, đáp ứng nhu cầu khách hàng thì vẫn đảm bảo sản xuất đều đặn.
Vấn đề của lụa Nha Xá, như ông Quảng chỉ rõ là danh tiếng lụa Nha Xá không được vang dù sản phẩm nhiều, chất lượng tốt. Một phần do hạn chế vị trí địa lý, có ít khách du lịch về làng nghề, khi mà làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) vẫn là một thương hiệu có tên tuổi tại miền Bắc. Bên cạnh đó, việc giới thiệu, quảng bá về làng nghề chưa được chú trọng.
Vừa bốc từng chum kén cho vào bao, anh Giới tâm sự: “Đã bỏ công bỏ sức, bỏ tiền sắm đồ nghề cho công việc này thì phải theo nó thôi. Từ hai bàn tay trắng mà bây giờ tôi có nhà, nuôi được các con ăn học, trưởng thành là nhờ cái nghề ấy. Rồi sẽ có những lúc khó khăn, bão táp nhưng mình vẫn phải kiên trì. Khi nào già rồi thì tính kế sinh nhai tiếp”.
Bình luận (0)