Với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch virus corona và những động thái từ phía Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người, dự báo thương mại nông - lâm - thủy sản hai nước sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Tìm cách biến thách thức thành thời cơ
Riêng nông sản, Trung Quốc là thị trường lớn của nước ta. Do đó, nông nghiệp sẽ chịu tổn thương nhất, tập trung vào nhiều mặt hàng như thanh long, dưa hấu...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng tình hình dịch bệnh do virus corona ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, do hai bên áp dụng các biện pháp để phòng dịch bệnh. Lâu nay, Trung Quốc là thị trường khổng lồ của nông sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có nhiều nhóm nông sản như thanh long, dưa hấu có tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, lên đến 80%.
Để phát triển bền vững thì không thể trông chờ vào một thị trường mà cần mở rộng thêm nhiều thị trường mới. "Chúng ta cùng tìm cách biến thách thức thành thời cơ, phải tìm thị trường mới" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Xe chở thanh long ùn ứ ở cửa khẩu
Đa dạng hóa thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, phương án trước mắt, đến ngày 9-2, nếu dịch không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng thì không loại trừ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, dẫn tới tình hình xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao.
Do đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành, chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.
Cụ thể, đoàn công tác do lãnh đạo bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE) từ ngày 15-2 để mở rộng thị trường Trung Đông; đoàn công tác do lãnh đạo bộ dẫn đầu cùng các DN xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam sang Mỹ từ ngày 22-2; đoàn công tác do bộ trưởng dẫn đầu cùng các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Brazil trong tháng 3-2020; tổ chức các đoàn công tác mở rộng thị trường sang Nhật Bản trong tháng 3-2020… Cùng với đó, thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam trong quý I, quý II/2020 để tháo gỡ khó khăn.
Với phương án bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, phối hợp các hiệp hội ngành hàng, DN, các đơn vị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các DN đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng kiến nghị với Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài, đẩy mạnh thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng cho hàng hóa nông - lâm - thủy sản. Phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, các địa phương, cộng đồng DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, nhất là thúc đẩy tiêu thụ nội địa theo các chuỗi siêu thị, bán lẻ. Tăng cường quản lý nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông, cung ứng hàng hóa. Kiên quyết xử lý các hành vị trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng.
Bình luận (0)