Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan thống kê đánh giá là thành công lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) để thực hiện có hiệu quả mục tiêu "vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, còn khu vực dịch vụ tăng 2,34%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 3,36%. Trong số liệu này, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%. Ngược lại, ngành khai khoáng giảm 5,62% do sản lượng khai thác dầu thô giảm 12,6% và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%. Ngành xây dựng có mức tăng 6,76%, cao hơn tốc độ tăng của các năm 2011, 2012 và năm 2013 trong giai đoạn 10 năm gần nhất.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ trong năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất thập kỷ. Cơ quan thống kê cho rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng được kiểm soát tốt trong nước nên hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt mức tăng cao trong những tháng cuối năm. Hoạt động vận tải trong nước đang dần phục hồi nhưng vận tải ngoài nước và du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống trong năm nay giảm 14,68%, ngành vận tải, kho bãi giảm 1,88%.
Xuất nhập khẩu được đánh giá là điểm sáng, với tổng kim ngạch năm nay ước tính đạt 543,9 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỉ USD, tăng 6,5%, còn nhập khẩu 262,4 tỉ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỉ USD, mức cao nhất kể từ năm 2016. Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy bình quân cả năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,23% so với năm 2019.
Trong năm qua, cả nước có 134.900 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2,236 triệu tỉ đồng, giảm 2,3% về số DN và tăng 29,2% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 44.100 DN trở lại hoạt động và gần 37.700 DN ngừng hoạt động chờ giải thể.
Bình luận (0)