xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia hạn Nghị quyết 54 với TP HCM là phù hợp

Văn Duẩn - Minh Chiến

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP HCM tiếp tục thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đến hết ngày 31-12-2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Sáng 21-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (gọi tắt là Nghị quyết 54).

Đạt nhiều kết quả nổi bật

Theo tờ trình của Chính phủ, TP HCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Để xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020; QH ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Chính phủ đánh giá qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP HCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế liên tục tăng trưởng cao, bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.

Gia hạn Nghị quyết 54 với TP HCM là phù hợp - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: PHẠM THẮNG

Sau khi kinh tế thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%; quý II đạt 5,73%; bình quân 6 tháng đạt 3,82%. Tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29%; cao hơn so với mức 31,07% bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%; cao hơn so với mức 33,15% bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Theo đánh giá của TP HCM, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 54, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc. Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Chưa có nhiều thời gian

Về hạn chế, Chính phủ đánh giá nhiều nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan trung ương, chi ứng vốn cho các dự án trung ương trên địa bàn.

Một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, như: Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư... tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, với mục tiêu hằng năm huy động thêm nguồn lực 40.000 đến 50.000 tỉ đồng/năm cho đầu tư phát triển của thành phố.

Tuy nhiên, thực tế giai đoạn 2018-2022 mới chỉ có nguồn từ thưởng và đầu tư trở lại từ ngân sách trung ương (1.654 tỉ đồng), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (1.786,6 tỉ đồng), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.800 tỉ đồng) và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước cho thành phố vay lại (11.387,3 tỉ đồng), thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (132,6 tỉ đồng); còn các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như: Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; thu khai thác tài sản và từ đất đai.

Một số cơ chế, chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền). Công tác hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại để chi trả thu nhập tăng thêm chưa theo kịp với tình hình thay đổi của thực tiễn.

Trên cơ sở đề xuất của UBND TP HCM, để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố với mục tiêu tổng quát là "Xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước" và mục tiêu cụ thể "Đến năm 2025, là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước", Chính phủ kiến nghị QH thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 cho phép thành phố tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31-12-2023. Cùng đó, đưa nội dung này vào Nghị quyết của kỳ họp thứ 4, QH khóa XV.

TP HCM đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và kết quả thực hiện Nghị quyết 54, báo cáo Bộ Chính trị cho phép TP HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Cơ quan thẩm tra đồng thuận

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường cho rằng việc Chính phủ đề nghị cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31-12-2023 là cần thiết. Việc Chính phủ chỉ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thêm 1 năm, cơ quan thẩm tra đánh giá đây là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện; có ý kiến đề nghị cho phép thành phố kéo dài đến hết ngày 31-12-2024 để bù lại tương ứng 2 năm không triển khai được chính sách thí điểm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chốt lại, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết ngày 31-12-2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 4, QH khóa XV.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang kỳ họp, đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (Hà Nội), đánh giá Nghị quyết 54 cho TP HCM là nghị quyết được ban hành hướng vào những chính sách khá phù hợp. Tuy nhiên, có bối cảnh không may mắn cho thành phố là rơi vào giai đoạn của 2 năm dịch COVID-19. Chính sách của chính quyền để tăng nguồn phí, nguồn thu sẽ không phù hợp với hoàn cảnh nên kết quả đạt được của việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù chưa được như mục tiêu mong muốn. Tuy vậy, trong báo cáo của TP HCM đã có một số kết quả tốt.

ĐB Hoàng Văn Cường đồng tình việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 tới cuối năm 2023. "Kiến nghị này của Chính phủ khá phù hợp và việc kéo dài thêm 1 năm có tác động tốt hơn để TP HCM thực hiện được các chính sách mà QH đã ban hành. Theo ĐB Hoàng Văn Cường, những hạn chế trong việc thực hiện có nguyên nhân khách quan, bởi thời gian áp dụng của nhiều chính sách rơi vào thời gian dịch nên không thực hiện được, vì vậy rất cần thiết có thêm thời gian để thành phố thực hiện thêm. 

Hạn chế do nhiều nguyên nhân

Báo cáo của Chính phủ nhận định những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 54 tại TP HCM là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, về khách quan thì các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 thì TP HCM phải dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời, có 2 năm TP chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nên thực tế TP không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết.

Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm bộ trưởng Y tế và GTVT, phê chuẩn bầu Tổng KTNN

Ngày 21-10, tiếp tục thực hiện quy trình về công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đối với ông Trần Sỹ Thanh; phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đối với ông Nguyễn Văn Thể. Cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Nguyễn Văn Thắng; thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế với bà Đào Hồng Lan và thông qua Nghị quyết bầu ông Ngô Văn Tuấn giữ chức Tổng KTNN.

Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng (SN 1973, quê TP Hà Nội) từng công tác tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam giai đoạn năm 2003-2018. Tháng 7-2018, ông Nguyễn Văn Thắng được Bộ Chính trị quyết định luân chuyển và chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2015-2020, sau đó được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Một năm sau, ông Nguyễn Văn Thắng được bầu giữ chức Chủ tịch UBND Quảng Ninh. Từ tháng 1-2021 đến nay, ông Nguyễn Văn Thắng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

2-box-Bộ-trưởng-Bộ-GTVT-Nguyễn-Văn-Thắng

Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (SN 1971; quê huyện Kim Thành, Hải Dương) có thời gian dài công tác tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Từ tháng 7-2021, bà Đào Hồng Lan là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Từ tháng 7-2022, bà Đào Hồng Lan là Bí thư Ban Cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

2-box-Bộ-trưởng-Bộ-Y-tế-Đào-Hồng-Lan

Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Tân Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn (SN 1971; quê huyện Tiên Du, Bắc Ninh) trải qua nhiều vị trí công tác tại Bộ Tài chính. Từ tháng 1-2017 đến tháng 6-2019, ông Ngô Văn Tuấn là Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ban Kinh tế Trung ương; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Từ tháng 1-2021 đến tháng 7-2022, ông Ngô Văn Tuấn là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình. Giữa tháng 7-2022, ông Ngô Văn Tuấn được điều động giữ chức Phó Tổng KTNN.

2-Tổng-KTNN-Ngô-Văn-Tuấn

Tân Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn

Cùng ngày, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Theo đó, Bộ Chính trị chỉ định ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo