Những ngày cuối tháng 4, phóng viên Báo Người Lao Động được người dân dẫn vào tận những cánh rừng thuộc xã Đắk Jơ Ta, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai để chứng kiến cảnh những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá. Khu vực rừng này do Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Mang Yang quản lý.
Trong cái nắng gay gắt, chúng tôi theo con đường mòn trước cổng làng Đê Bơ Tứk, xã Đak Jơ Ta tiến sâu về phía những cánh rừng. Qua con suối Đắk Jơ Ta chừng 2 km, những vạt rừng lớn đã bị người dân chặt hạ, đốt cháy nham nhở, nằm la liệt. Càng lên trên đỉnh núi, những vạt rừng bị chặt hạ hiện ra càng nhiều. Từ đỉnh núi, nhìn qua các ngọn núi xung quanh đều có những vạt rừng bị tàn phá, đốt cháy nham nhở. Nhiều chỗ, rừng chưa bị chặt hạ nhưng cũng bị đốt khiến cành lá héo úa.
Một vạt rừng bị người dân chặt phá để trồng bạch đàn
Anh H., người dẫn đường, phản ánh rừng bị bỏ mặc cho người dân tàn phá để lấy đất trồng bạch đàn, keo, bời lời. Việc phá rừng diễn ra rầm rộ từ giữa năm 2016 đến nay trước sự bỏ mặc hoặc bất lực xử lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Ông Võ Anh Văn, Phó BQLRPH Mang Yang, thông tin đơn vị đang quản lý hơn 6.000 ha rừng. Khu vực rừng bị bị chặt hạ, đốt bỏ trên hồ sơ sổ sách thì do BQLRPH Mang Yang quản lý nhưng thực tế bị người dân lấn chiếm, canh tác từ năm 1977-1978. Khi phóng viên cung cấp những hình ảnh các vạt rừng mới bị tàn phá, ông Văn cho rằng đây là do người dân địa phương "lâu lâu làm một tí" và do là người đồng bào dân tộc thiểu số nên khó xử lý. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng BQLRPH Mang Yang, phân trần: "Phá nhiều năm rồi nhưng mà âm ỉ, mỗi ngày lấn chiếm một tí chứ không có chuyện phá trắng cả vạt rừng".
Theo ông Hùng, việc người dân phá rừng trồng bạch đàn, keo, bời lời là tự phát chứ không có ai đứng sau xúi giục, thuê mướn. Để chấn chỉnh, trong thời gian tới, một số diện tích đất trắng sẽ được đo đạc để trả về cho địa phương quản lý.
Từ phản ánh của phóng viên, ông Lê Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, nói vừa qua UBND huyện cũng đã chỉ đạo công an, Hạt Kiểm lâm huyện vào cuộc kiểm tra diện tích rừng bị phá. "Cái đó diễn ra lâu rồi. Để cho anh em kiểm tra xong rồi mới xác định được trách nhiệm cụ thể. Nguyên nhân buông lỏng quản lý hay do dân cố tình hoặc lý do nào đó thì phải làm xong hết rồi mới xác định được trách nhiệm của các bên" - ông Trọng khẳng định.
Bình luận (0)