Chiều 14-8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giám sát
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chuyên đề, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Đoàn giám sát nhận thấy quy định về môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học; Quốc hội khóa XIII và khóa XV đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết về nội dung này vào năm 2015 và 2022.
Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, vẫn gây áp lực đối với học sinh. Việc thiết kế nội dung các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở chưa hợp lý.
Chủ trương triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời ở cả 3 cấp học dẫn tới thời gian chuẩn bị ngắn, công tác bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc tổ chức các môn học mới (Mỹ thuật, Âm nhạc,…), hoạt động giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc xây dựng các tổ hợp môn học tại cấp trung học phổ thông còn bất cập. Kết quả đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa cao, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục chưa theo kịp yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hệ thống quy định về thi, kiểm tra, đánh giá chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Quy định và hướng dẫn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được ban hành, gây khó khăn cho học sinh, giáo viên trong việc định hướng lựa chọn tổ hợp môn học ở bậc trung học phổ thông và tổ chức dạy học.
Theo Đoàn giám sát, việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội với một số đối tượng và địa bàn.
Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006
Việc thực nghiệm sách giáo khoa chưa chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.
Cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua sách giáo khoa ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành sách giáo khoa giả diễn ra phức tạp. Sách giáo khoa mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng. Tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản sách giáo khoa; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quy định về lựa chọn sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu sách giáo khoa nhiều (nhất là ở cấp tiểu học) giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Việc phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa của nhiều tỉnh chậm, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng sách giáo khoa.
"Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006"- báo cáo giám sát nêu rõ.
Số đầu sách giáo khoa tăng, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách. Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua.
Bình luận (0)