Một câu khẩu hiệu ngắn gọn, súc tích nhưng mang lại sức mạnh lan tỏa, tiềm tàng, đánh động vào ý thức, nghĩa vụ của mỗi công dân, công chức đối với đất nước. Câu khẩu hiệu đó có thể thẩm thấu vào mỗi con người, bất kỳ làm việc trong lĩnh vực nào, ngành nghề nào trong xã hội.
Mỗi người đều có thể chọn cho mình một nghề, một vị trí trong xã hội. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều có quyền tự hào chính đáng về nghề nghiệp của mình. Không có tự hào, chúng ta không thấy giá trị trong công việc của mình. Nghề nào cũng mang lại giá trị tốt đẹp cho con người, nghề báo cũng vậy, thậm chí còn có chức năng làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Trong xu thế xã hội ngày càng phát triển, bằng trí tuệ nhân tạo, người ta sáng tạo ra những robot có thể thay thế con người. Robot có thể làm được những công việc như con người, thậm chí còn nhanh hơn, chính xác hơn. Robot có thể biểu hiện cảm xúc buồn vui, biết quan sát, lắng nghe, tương tác gần giống như con người. Tuy nhiên, như chính nhà khoa học đã sáng tạo ra một robot siêu thông minh cũng tự thừa nhận rằng ông không biết cách nào có thể gieo ý thức cho robot. Như vậy, vô hình trung, mỗi người chúng ta còn hơn robot ở chỗ có ý thức, ý thức về sự tồn tại của mình, về thái độ của mình với công việc, với cuộc sống.
Giá trị tạo ra thêm giá trị là nhờ tính lan tỏa của nó. Đối với nhà báo, do đặc điểm chức năng nghề nghiệp của mình, tính lan tỏa càng nhanh, càng rộng. Như vậy, khi đứng trước bản thảo một bản tin, một chuyên mục, một bài báo, một khuôn hình, người làm báo đứng trước 2 sự lựa chọn. Một là, đơn thuần kể lại một câu chuyện từ cuộc sống; hai là, từ câu chuyện đó để đánh thức những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, mặc dù bản thân câu chuyện đó là những mảng mờ, đốm tối.
Phép biện chứng chỉ ra rằng trong mỗi sự vật, hiện tượng và kể cả con người đều có 2 mặt đối lập hòa quyện nhau, khó cân phân rạch ròi như 2 mặt của đồng xu. Cảm xúc tiêu cực thường lan tỏa nhanh hơn, sâu hơn và lưu lại lâu hơn trong ký ức con người, nhất là lại còn bị chi phối bởi quy luật "tâm lý đám đông". Mạng xã hội, một loại báo chí phi chính thức đã minh chứng điều đó. Đừng để cảm xúc tiêu cực bất chợt lúc nào đó trong người làm báo dẫn dắt và làm bùng lên cảm xúc tiêu cực trong xã hội. Đằng sau một tác phẩm báo chí là cả một đám đông, đám đông đó có những con người hôm nay và cả con người của tương lai. Vậy, phải làm sao để mặt tích cực lấn át mặt tiêu cực trong đám đông ấy, những con người ấy; làm sao để mọi người thêm tin yêu cuộc sống này, để làm việc tốt hơn, sản xuất, kinh doanh tốt hơn, học tập tốt hơn.
Cuộc sống đâu hoàn hảo. Trách nhiệm của mỗi người chúng ta là góp phần làm cho cuộc sống mỗi ngày hoàn hảo hơn và chúng ta tự hào trong cái "hoàn hảo hơn" đó có "bóng dáng" của mình.
Bình luận (0)