Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy thuộc địa phận 3 xã Hà Tân, Hà Lĩnh, Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Đây là cánh rừng quý trong Sách đỏ Việt Nam, có diện tích lớn nhất Đông Nam Á và cũng là nơi bảo tồn loài sến mật duy nhất ở nước ta.
Giá trị lớn về dinh dưỡng, y học
Rừng sến có tên khoa học là Madhuca pasquieri thuộc họ hồng xiêm (Sapotaceae), bộ hồng xiêm (Sapotales), được phân bố chủ yếu trên những quả đồi thấp có độ cao 50 - 350 m của huyện Hà Trung. Đây là loài sến mật, thân gỗ lớn thuộc nhóm gỗ quý (đinh, lim, sến, táu) nên thường được dùng trong xây dựng, đóng các vật dụng trong nhà, đặc biệt do có nhiệt lượng cao nên gỗ sến thường được dùng để làm than rèn các dụng cụ nông nghiệp.
Là loài gỗ tốt nên không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, sến đang bị đe dọa do khai thác quá mức, dẫn tới cạn kiệt. Để bảo tồn, năm 1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký quyết định thành lập khu bảo tồn quốc gia rừng sến Tam Quy, với diện tích lúc đầu là 350 ha.
Rừng sến Tam Quy nhìn từ trên cao
Ông Nguyễn Văn Chương, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng sến Tam Quy, bên một cây sến cổ thụ gần 100 năm tuổi
Sau hàng chục năm bảo tồn, hiện rừng sến Tam Quy đã mở rộng diện tích lên khoảng 520 ha và trở thành "lá phổi xanh" cho hàng ngàn hộ dân sống quanh rừng sến này. Không chỉ tạo không khí trong lành, rừng sến còn giúp nguồn nước ngầm quanh vùng luôn được trong mát và rất ít khi cạn, dù hạn hán kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Chương - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng sến Tam Quy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa - cho biết sến ở nước ta được phân bố nhiều nơi nhưng mọc tập trung và có diện tích lớn nhất chỉ còn ở Hà Trung (Thanh Hóa). Ngoài giá trị là cây lấy gỗ, theo ông Chương, quả và lá của sến mật có giá trị rất lớn trong chế biến thực phẩm (dầu ăn), lá có công dụng làm thuốc trị bệnh.
Quả sến ăn có vị ngọt, mùi thơm như mật ong, hạt sến được ép dầu có công dụng rất tốt đối với người mắc bệnh tim mạch. Lá cây có công dụng chữa lành vết thương, trị nhiễm khuẩn rất tốt. "Bằng chứng là Viện 103 nhiều lần về lấy lá bào chế thuốc chữa lành vết thương, chữa bỏng" - ông Chương khẳng định.
Lá và quả của cây sến mật có rất nhiều công dụng
Mở rộng diện tích trồng mới
Mặc dù có giá trị lớn về bảo tồn loài, dinh dưỡng, y học nhưng rừng sến Tam Quy đang đứng trước thách thức rất lớn bởi sự cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ của cây lim xanh.
Theo ông Chương, ngoài cây sến, khu bảo tồn còn có lim xanh, giẻ, trâm… Trong đó, sến mật là cây ưa sáng nhưng chiều cao tối đa chỉ khoảng 9 m, trong khi lim xanh thường cao trên 13 m, có tán rộng nên chỗ nào cây lim xanh vượt lên thì sến phát triển chững lại.
Được biết, năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho thí điểm đề tài nghiên cứu khoa học là chặt lim xanh nhằm mở không gian ánh sáng bảo tồn loài sến mật. Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp (Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa) mới đốn hạ được 25 cây lim đã gặp phải sự phản đối của người dân. Dự án sau đó dừng triển khai cho tới nay.
Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết việc cây sến bị cây lim cạnh tranh dinh dưỡng, sở đã biết nhưng đây là rừng đặc dụng phải bảo vệ nguyên vẹn, không được tác động gì. "Rừng tự nhiên là phải sống dựa vào nhau, lim và sến đã chung sống với nhau hàng mấy chục năm như thế. Hiện nay, chúng tôi đang báo cáo Bộ NN-PTNT cho phép mở các đường băng ở rừng keo, rừng thông để trồng sến xen vào nhằm mở rộng diện tích để bảo tồn theo phương châm giữ nguyên rừng già, tăng diện tích trồng mới" - ông Thuận cho hay.
Tiềm năng du lịch đang bỏ ngỏ
Ngoài những giá trị kể trên, rừng sến Tam Quy còn có tiềm năng rất lớn để khai thác du lịch trải nghiệm. Bởi khu vực này có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, xung quanh rừng sến có những ngôi làng sống xen kẽ; dưới chân đồi có hồ nước mênh mông. Thậm chí, trên đỉnh núi, giữa rừng sến có một hồ nước không bao giờ cạn. Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thuận, khu vực rừng sến này đã được quy hoạch đưa vào đất quốc phòng nên không được làm gì, kể cả du lịch.
Bình luận (0)