xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giấc mơ từ phía Đông

NGUYỄN PHAN

Ý tưởng thành lập Thành phố phía Đông (Thành phố Thủ Đức) được lãnh đạo TP HCM ấp ủ từ lâu. Khi hình thành, đây sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP nói riêng và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung phát triển hơn nữa

Giữa tháng 8-2020, Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo Đề án Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, sau nhiều lần TP HCM trình lên Trung ương.

Một hành trình dài

Trước chủ trương của Chính phủ, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP, nguyên Chủ tịch HĐND TP - bày tỏ đây là thời điểm chín muồi để TP hiện thực hóa giấc mơ về một TP phía Đông được nhiều thế hệ lãnh đạo TP ấp ủ. "Nếu nói về ý tưởng chắc cũng gần 20 năm" - bà Phạm Phương Thảo nhớ lại. Bà kể thời điểm năm 2007 - lúc ấy bà còn đương nhiệm Chủ tịch HĐND TP khóa VII kiêm Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP khóa XII - TP đã chính thức xin ý kiến Trung ương về đề án chính quyền đô thị, đề cập đến mô hình TP trong TP nhưng chưa được chấp thuận.

Sau nhiều lần "nâng lên đặt xuống" và xin ý kiến các bộ - ban - ngành Trung ương, đến tháng 9-2013, HĐND TP chính thức thông qua dự thảo đề án chính quyền đô thị. Khi đó, bên cạnh 13 quận nội thành cũ, TP HCM định hướng sẽ xây dựng 4 TP vệ tinh ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc có chức năng phát triển khác nhau với mô hình "TP trong TP", trong đó có TP phía Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Nhiều chuyên gia đánh giá chủ trương này rất táo bạo, tâm huyết với mục đích có được cơ chế vận hành đúng với vai trò đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước. Được đưa lên Trung ương với rất nhiều kỳ vọng nhưng đề án đã không được thông qua do quá lớn và vướng nhiều vấn đề liên quan đến Hiến pháp, pháp luật. Do đó, đề án rơi vào im lặng một thời gian.

Thế nhưng, giấc mơ về một TP phía Đông vẫn luôn trong tiềm thức của lãnh đạo TP. Từ năm 2016, đề án này được nhắc lại trong phát biểu của lãnh đạo TP tại các hội thảo, buổi làm việc của TP với lãnh đạo Trung ương. Đến đầu năm 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề xây dựng Khu Đô thị sáng tạo, tương tác cao nhằm kết nối 3 quận phía Đông thành một hệ sinh thái, đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng trí thức trẻ địa phương. Từ đó, nhiều cuộc hội thảo mang tầm quốc được TP tổ chức, quy tụ nhiều chuyên gia về phát triển đô thị, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin; các chuyên gia tư vấn chiến lược quốc tế, các nhóm tư vấn thiết kế đô thị đang làm việc tại nhiều nước trên thế giới... cùng thảo luận về những phác thảo đầu tiên của mô hình Khu Đô thị sáng tạo của TP.

Đến cuối tháng 10-2019, đề án chính thức được khởi động lần nữa khi Sở Nội vụ có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TP được thí điểm mô hình Chính quyền đô thị. Điểm đáng lưu ý là so với 4 TP vệ tinh trong đề án năm 2013, đề án lần này TP chỉ đề xuất xây dựng TP trực thuộc TP ở phía Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Đầy, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ TP, nói mỗi thời điểm TP có những định hướng khác nhau. Việc lập TP thuộc TP HCM ở 3 quận trên gắn với Khu Đô thị sáng tạo phía Đông.

Giấc mơ từ phía Đông - Ảnh 1.

Diện mạo TP Thủ Đức theo phác họa của Công ty Sasaki-encity (Mỹ) - đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông

Diện mạo thành phố tương lai

Từ đó, TP HCM xác định việc thành lập TP Thủ Đức theo định hướng hình thành Khu Đô thị sáng tạo, tương tác cao, phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới sáng tạo. Nói về Khu Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân từng nhiều lần nhận định đây là động lực kinh tế của TP HCM cho 10 năm tới. Khi được thành lập, TP phía Đông được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 1/3 GRDP của TP.

Để từng bước hiện thực hóa giấc mơ ấy, TP đã tổ chức cuộc thi Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông và ngày 23-11-2019, UBND TP đã trao giải nhất cho Công ty Sasaki-encity (Mỹ). Theo đó, trọng điểm của khu đô thị này sẽ bao gồm 6 trung tâm quan trọng là Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm, Khu Thể thao và Sức khỏe Rạch Chiếc, Trung tâm Công nghệ cao Sài Gòn, Trung tâm Công nghệ giáo dục, Khu Công nghệ sinh thái Tam Đa và Khu Đô thị tương lai Trường Thọ, mỗi khu có mỗi chức năng khác nhau.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận khu Đông TP từ lâu đã rất hấp dẫn, bởi đây là khu vực có vị trí tiếp giáp với 3 tỉnh nằm trong vùng tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ và cũng là địa phương có vị trí kết nối với các tỉnh phía Bắc. Khi 3 quận này được sáp nhập thành một TP phía Đông sẽ tạo ra một cú hích rất lớn; phù hợp với thực tế phát triển của TP HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã họp với các sở - ngành và chỉ đạo ngoài việc triển khai, cụ thể hóa ý tưởng phương án quy hoạch đoạt giải từ cuộc thi tuyển quốc tế, cần phải nghiên cứu tổng thể Khu Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông trên tất cả các lĩnh vực: phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng dịch vụ, nguồn lực - phương án tài chính thực hiện... Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Xây dựng khẩn trương nghiên cứu tổ chức lập chương trình Phát triển đô thị TP phía Đông song hành với chương trình Phát triển đô thị TP HCM đến năm 2025. Việc thực hiện các nội dung nêu trên phải đồng bộ với việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM và lập đề án đánh giá đô thị để được công nhận TP phía Đông là đô thị loại 1.

Thạc sĩ văn hóa Nguyễn Thành Luân, ngụ quận 9, TP HCM:

Chờ đợi sự thay đổi về chất

Kể từ khi Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập TP phía Đông thì người dân 3 quận đều đặt nhiều kỳ vọng. Tâm lý chung là chờ đợi điều khác biệt về cơ chế so với mô hình cũ là quản lý hành chính cấp quận từ TP mới. Tất nhiên, không chỉ là việc gộp cơ học 3 quận lại với nhau mà phải là những thay đổi về chất. Mọi người chờ đợi UBND TP có thể tận dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội để vận dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù riêng về nguồn thu cho TP mới để tái đầu tư phát triển, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Mặc dù khu Đông đã được TP HCM ưu tiên đầu tư nhưng hạ tầng ngoài tuyến xa lộ Hà Nội, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và đại lộ Mai Chí Thọ thì kết nối theo trục ngang vẫn còn hạn chế. Các đại lộ 1, 2, 3 hiện nay mới chỉ thi công được một đoạn; các tuyến Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển còn nhỏ hẹp, thường xuyên ngập nước và kẹt xe...

Tôi cũng mong TP phía Đông tận dụng điều kiện thuận lợi về mô hình, cơ chế để có chính sách thu hút đầu tư từ các nước phát triển, rút ngắn thời gian hoàn thiện các chuỗi đô thị - dịch vụ - công nghiệp hoàn chỉnh. Ngoài ra, thể chế của chính quyền TP mới cũng cần phải tiệm cận được trình độ quản lý của các đô thị hiện đại trong khu vực.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo