Thời gian qua, một loạt địa phương đề xuất xây mới hoặc nâng cấp sân bay hiện hữu theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đặc biệt, nhiều tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Kon Tum, Ninh Thuận, Đồng Nai... đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay với kỳ vọng đây sẽ là đòn bẩy cho phát triển kinh tế, du lịch...
Nhiều doanh nghiệp rất quan tâm
Là một trong các địa phương đề xuất xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng sân bay, lãnh đạo tỉnh Nghệ An báo cáo với Thủ tướng đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư đối với dự án nhà ga hành khách T2 công suất 10 triệu hành khách/năm, đường cất hạ cánh số 2, nhà ga hàng hóa và các hạng mục phụ trợ ở Cảng Hàng không quốc tế Vinh. Nếu được chấp thuận, các nhà đầu tư này muốn triển khai đầu tư ngay trong giai đoạn 2022-2025.
Không riêng ở Nghệ An, nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ quan tâm tới đầu tư hạ tầng sân bay ở nhiều địa phương khác. Một nhà đầu tư phân tích: Suất đầu tư 1 km đường cao tốc ở địa hình đồi núi là 200 tỉ đồng. Nếu phải làm cầu, hầm chui thì tỉ suất đầu tư còn đội lên cao hơn. Trong khi đó, chi phí để xây sân bay vào khoảng 4.000 - 5.000 tỉ đồng. Việc đầu tư một sân bay quy mô hợp lý mà chi phí chỉ bằng vài chục cây số đường cao tốc có thể mang đến công trình hạ tầng giao thông hiện đại, tạo giao thương thuận lợi, thu hút đầu tư, phát huy lợi thế kinh tế, tiềm năng du lịch của địa phương.
"Hiện các DN có tiềm lực, có kinh nghiệm phát triển hạ tầng có kế hoạch đầu tư lớn tại các địa phương đều rất quan tâm đến việc đầu tư sân bay nhằm tháo gỡ nút thắt khó khăn về hạ tầng giao thông. Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, mời gọi DN cùng chung tay đầu tư sân bay" - vị này nói.
Sửa luật, tạo hành lang pháp lý
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống sân bay đến năm 2030 khoảng 400.000 tỉ đồng, sẽ được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của nhà nước thiếu để đầu tư sân bay sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT Ảnh: MINH CHÂU
Hiện nay, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) được giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý tại 22 sân bay trên toàn quốc.
Tại Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất chuyển giao khu bay và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu của một số sân bay ở vùng sâu, vùng xa cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển theo hình thức PPP.
Đối với các sân bay mới, cục kiến nghị huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ theo hình thức PPP và giao UBND các tỉnh có quy hoạch sân bay mới chủ động huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa đầu tư các cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật từ luật đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Hàng không dân dụng…) để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển giao tài sản, định giá tài sản, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sân bay theo hình thức PPP.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cần sớm nghiên cứu phương án xử lý tài sản hiện hữu của ACV tại các cảng hàng không dự kiến giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư PPP.
Sớm hoàn thiện quy hoạch
Một cán bộ Bộ GTVT cho biết trước đây, bộ này đã xây dựng đề án về xã hội hóa đầu tư sân bay song vẫn chưa được phê duyệt. Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, trong quá trình hoàn thiện quy hoạch mạng lưới sân bay, Bộ GTVT sẽ xác định phương án đầu tư cho các nhóm sân bay khác nhau: Các sân bay do ACV đầu tư, sân bay do tư nhân đầu tư, sân bay đầu tư từ nguồn vốn hỗn hợp...
Hiện nay, để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, khai thác hàng không dân dụng tại một số sân bay, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phải làm việc với một số địa phương có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để cập nhật, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 10-2022.
Một số chuyên gia hàng không cũng nhấn mạnh: Trong quy hoạch sân bay, bài toán quan trọng nhất cần xem xét, giải quyết là tính hiệu quả. Sân bay xây mới mà sản lượng khách dưới 5 triệu lượt/năm thì khó thu hồi được vốn, thậm chí thua lỗ vì phải tốn chi phí duy trì nguồn nhân lực, hoạt động bảo dưỡng.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trước dịch COVID-19, có đến 9/22 sân bay cả nước đón dưới 1 triệu hành khách/năm.
Sân bay quốc tế Cần Thơ là một trong những sân bay hoạt động chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Được thiết kế có công suất 3 triệu hành khách/năm nhưng từ khi bắt đầu hoạt động từ tháng 12-2010 đến nay, sân bay này chỉ phục vụ vài chuyến bay nội địa. Vào dịp Tết sẽ có một vài chuyến bay từ Đài Loan (Trung Quốc) do Vietnam Airlines thực hiện theo dạng cho thuê. Hiện vẫn chưa có hãng hàng không quốc tế nào mở đường bay đến sân bay Cần Thơ, đây là một sự lãng phí lớn.
Theo thống kê của Cảng Hàng không Việt Nam, trước dịch COVID-19, sân bay Cần Thơ cũng chỉ đạt hơn 40% công suất của nhà ga và xấp xỉ 15% công suất của đường cất/hạ cánh.
Địa phương chịu trách nhiệm hoàn thiện đề án
Bộ GTVT đã vạch ra kế hoạch nghiên cứu khá cụ thể cho 6 sân bay có đề xuất xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng là Nà Sản (Sơn La), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Cần Thơ (Cần Thơ), Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Liên Khương (Lâm Đồng).
Theo đó, Bộ GTVT sẽ xây dựng đề cương các nội dung chính của Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không gửi các địa phương; UBND các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án đối với cảng hàng không trên địa bàn; đoàn công tác khảo sát hiện trạng, nghe và tham gia ý kiến đề án; UBND các tỉnh, thành phố hoàn thiện đề án, gửi Bộ GTVT; lấy ý kiến các thành viên tổ công tác/các bộ, ngành; tổng hợp, báo cáo tổ trưởng tổ công tác. Thời gian triển khai nghiên cứu các đề án nâng đời các sân bay nói trên bắt đầu từ ngày 5-10 và hoàn thành trước ngày 15-12.
Ông BÙI DOÃN NỀ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam:
Chủ trương đúng
Huy động các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng hàng không là chủ trương đúng. Cần có chính sách và cơ chế phù hợp, bảo đảm quyền lợi giúp các nhà đầu tư quan tâm và xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, hiệu quả.
Ông TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Nhu cầu có thực
Các địa phương liên tục xin bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư các sân bay lưỡng dụng, quy mô nhỏ là nhu cầu có thực, khác xa kiểu đầu tư theo phong trào trong giai đoạn trước đây. Việc có sân bay còn giúp các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông nhanh mở cửa với khu vực và thế giới.
Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội:
Cần cái nhìn tổng thể
Lợi ích sân bay không chỉ dừng lại ở việc sân bay đó lỗ hay lãi mà còn có lợi ích trực tiếp và lợi ích gián tiếp từ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, khi quyết định bổ sung vào quy hoạch, hay ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sân bay, cơ quan thẩm quyền cần nhìn tổng thể, không chỉ nhìn vào mỗi dự án cụ thể.
Bài toán vĩ mô hơn là quy hoạch tổng thể quốc gia. Hiện nay, đã có tiêu chí về quy hoạch xây dựng sân bay nhưng phải có thêm các tiêu chí minh bạch hơn trong việc xác minh tính ưu tiên, để các địa phương khi đề xuất nếu không được cấp phép sẽ không bị ấm ức. Quy hoạch cần sớm thông qua để địa phương căn cứ triển khai; đồng thời nhà nước cũng cần có chính sách để thúc đẩy phát triển cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch.
Bình luận (0)