Ngày 26-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm tìm điểm nghẽn khiến tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được" diễn ra thời gian qua.
Giải ngân ì ạch
Đầu tư công hiện chiếm gần 11% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bức tranh giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục ảm đạm trong 9 tháng qua khi mới đạt hơn 192.136 tỉ đồng, bằng 45,17% so kế hoạch Quốc hội giao và 49,14% so kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Kết quả giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp, hơn 9.349 tỉ đồng (23,37%) và hơn 10.543 tỉ đồng (18,8%). Điển hình như Hà Nội mới giải ngân được 14.175 tỉ đồng, đạt 34%.
Thủ tướng cảnh báo hậu quả từ việc giải ngân chậm vốn đầu tư công hơn 10 năm qua với nền kinh tế. Theo đó, vốn là yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, nếu giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng trước tiên, trực diện tới tăng trưởng kinh tế. Nhiều dự án lớn sử dụng nguồn lực này "tắc", kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài và ảnh hưởng huy động vốn xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh vốn dồn ứ sẽ gây lãng phí lớn khi tiền nằm đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Ngoài ra, doanh nghiệp (DN), chủ đầu tư phải gánh chi phí bị đội lên, việc làm giảm, nợ nần tăng và uy tín làm ăn giảm sút.
Dẫn trường hợp Bộ Y tế có nhiều dự án dùng vốn đầu tư công nhưng mới giải ngân được 24%, Thủ tướng đặt vấn đề phải xử lý thế nào khi nhu cầu xã hội đang rất lớn đối với những công trình như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức 2.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đã giải ngân 11.443 tỉ đồng (43% kế hoạch), trong đó vốn ngân sách địa phương là 9.591 tỉ đồng, đạt 31%. Cũng như các địa phương khác, TP gặp vướng trong công tác giải phóng mặt bằng là nguyên nhân đầu tiên làm chậm tiến độ giải ngân. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như sắp xếp các ban quản lý dự án; những tháng đầu năm chủ yếu tập trung thực hiện các công việc chuẩn bị triển khai dự án, đấu thầu; một số chủ đầu tư chưa quyết liệt thực hiện theo kế hoạch được giao…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu về tình hình giải ngân vốn đầu tư côngẢnh: Quang Hiếu
Phải chỉ đạo quyết liệt
Về công tác chuẩn bị để triển khai dự án, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công ì ạch. Việc chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án chưa kỹ càng; tính chủ động, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án còn thấp; năng lực nhà thầu hạn chế. Đặc biệt, khâu chuẩn bị triển khai dự án còn rất sơ sài, trong khi thủ tục rườm rà, thời gian phê duyệt lâu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, đặc biệt là khâu điều hành dự án, trách nhiệm của chủ đầu tư. Nếu tuần nào các bộ ngành, địa phương cũng họp đôn đốc, kiểm tra xây dựng cơ bản thì không thể có tình trạng chậm trễ như hiện nay. Thủ tướng nhắc trường hợp dự án sân bay Long Thành đã nhận hơn 11.000 tỉ đồng nhưng giải ngân chỉ đạt 300 tỉ đồng và yêu cầu Đồng Nai rút kinh nghiệm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cấp bách trong những tháng cuối năm. Để làm được thì vai trò của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và Thủ tướng trong việc khơi thông, giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương có số vốn đầu tư công lớn như các bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và TP Hà Nội, TP HCM thì người đứng đầu phải chỉ đạo quyết liệt để giải ngân vốn đối với các dự án trọng điểm cấp bách.
Xác định rõ trách nhiệm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương xác định rõ trách nhiệm để tập trung thực hiện các công trình trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị. Đối với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và chủ tịch UBND TP Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì sẽ kiểm điểm sau.
Bình luận (0)