Phóng viên: Qua thực tế và qua các báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội (QH), ông đánh giá ra sao về bức tranh kinh tế hiện nay?
- Ông Phạm Phú Quốc: Báo cáo Chính phủ đã thể hiện rất rõ nền kinh tế năm 2018, năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm (2016-2020), có nhiều chuyển biến tích cực khi đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% - cao nhất kể từ năm 2008, xuất khẩu tăng 13,2%... Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá với những nỗ lực của Chính phủ, các chỉ tiêu đề ra trong năm 2019 sẽ đạt được. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5 năm, trong đó năm 2019 được xác định là năm bứt phá còn năm 2020 là năm về đích thì cần nỗ lực hơn nữa.
Theo ông, những vấn đề nào cần tiếp tục đi sâu thảo luận, mổ xẻ trong phiên họp hôm nay để giúp Chính phủ nhìn nhận cũng như nâng cao hơn nữa vai trò điều hành kinh tế ổn định, bền vững, có sức bật?
- Chính phủ cần phải có kịch bản điều hành kinh tế nhìn từ giá xăng dầu thế giới. Năm trước, giá xăng dầu thế giới giảm nên việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có phần dễ dàng. Năm nay, xu thế tăng giá xăng dầu đang hiện hữu, kéo nhiều mặt hàng liên quan tăng giá theo, nên việc bảo đảm lạm phát trong mức cho phép sẽ khó khăn hơn. Trong kịch bản điều hành, cần đưa vào đó phương án điều chỉnh giảm giá ở một số nhóm hàng chủ lực nhằm cân bằng lại với việc tăng giá xăng dầu. Nếu có kịch bản bám sát giá xăng dầu thì Chính phủ hoàn toàn có thể nỗ lực đạt và vượt mục tiêu năm 2019.
Ông Phạm Phú Quốc cho rằng nếu tận dụng tốt nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và nguồn từ vốn hóa tài sản công thì sẽ giảm được nợ công xuống thấp hơn Ảnh: Phương Nhung
Việc quan trọng cần làm lâu dài là phải giảm nợ công xuống thấp hơn. Có hai nguồn hiện nay có thể tận dụng để giảm nợ công: một là, nguồn từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; hai là, nguồn từ vốn hóa tài sản công, đặc biệt là tài sản công có tính thương mại hiện chưa được chú trọng khai thác đúng mức. Nếu tận dụng tốt hai nguồn lực này, giúp trả bớt nợ lãi và gốc, giảm bớt một phần vay, kết hợp với giảm chi thường xuyên thì nguồn chi cho đầu tư phát triển sẽ dư dả hơn. Khi đó, các điểm nghẽn trong kết cấu hạ tầng cơ sở sẽ được tháo gỡ, các dự án, công trình có thêm nguồn lực để tăng tốc đầu tư.
Vấn đề khác cần thảo luận là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây ra hậu quả gì với chúng ta khi chúng ta đứng ở giữa hai quốc gia này, một bên Việt Nam nhập siêu (Trung Quốc) còn một bên xuất siêu (Mỹ). Hàng hóa từ Trung Quốc xuất qua Mỹ bị ảnh hưởng thì họ đi theo con đường đầu tư vào Việt Nam, dán nhãn Việt Nam rồi xuất qua Mỹ. Cái lợi trước mắt đã thấy nhưng khi Mỹ "soi" luôn cả những nước tương tác, hỗ trợ nguồn gốc xuất xứ cho Trung Quốc thì chắc chắn chúng ta phải chịu áp lực. Do đó, cần bàn để tìm giải pháp cho vấn đề.
Như ông nói, vấn đề hạ tầng là điểm nghẽn chung của cả nước. Thực tế này càng trầm trọng hơn với TP HCM. Ông có thể góp ý phương án tháo gỡ?
- Nguồn lực đầu tư được nêu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên tập trung cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cảng biển, đường sắt, hàng không… Dự án nào đã quyết thì tập trung làm, kéo dài sẽ càng phát sinh chi phí; hạn chế phân bổ vốn dàn trải, sẽ rất uổng. Với TP HCM, việc tập trung làm dự án trọng điểm cần gắn với chiến lược thông minh, sáng tạo, đô thị xanh.
Có nhiều dự án tại TP HCM cần phải nhắc đến để thấy những vướng mắc trong đầu tư công ở lĩnh vực hạ tầng. Ví dụ, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên tăng vốn đã làm ảnh hưởng đến uy tín. Hay dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đều là những dự án vô cùng cần thiết, cấp bách. Vấn đề là tập trung nguồn lực làm mạnh, nhanh.
TP HCM có tầm nhìn chiến lược về đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Đây là tầm nhìn đúng và cần thiết. Nhưng vấn đề thiết thực trước mắt cần TP giải quyết là ngập nước và kẹt xe. TP cũng đã được trung ương hỗ trợ tạo cơ chế khác biệt, tạo sức bật thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Nghị quyết đã có, vấn đề còn lại là ứng dụng để phát huy hết nguồn lực đang có.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trong phiên thảo luận tình hình KT-XH tại kỳ họp QH trước đã nêu năng suất lao động (NSLĐ) là bài toán cần xử lý và cũng là thách thức trong phát triển kinh tế. Ông cho rằng thúc đẩy tăng năng suất lao động cần bắt đầu từ khu vực nào?
- NSLĐ của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp. Vấn đề là cần đưa ra quyết sách đầu tư như thế nào? Đầu tư ứng dụng công nghệ quốc tế, sử dụng máy móc, thiết bị thay thế con người… thì NSLĐ sẽ tăng. Dù vậy, không phải khu vực nào cũng làm được. Để tăng NSLĐ phải xuất phát và lấy trọng tâm từ khối doanh nghiệp tư nhân. Phát triển doanh nghiệp tư nhân, hình thành các tập đoàn lớn chính là con đường tăng NSLĐ.
Các chính sách của nhà nước đang theo hướng ủng hộ kinh tế tư nhân. Đây là tín hiệu tốt bởi không có quốc gia nào có thể giàu có, thịnh vượng mà không đi qua con đường phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng cũng lưu ý khu vực doanh nghiệp này cần thượng tôn pháp luật. Nếu vụt lớn lên trong khi làm không đúng luật và bị sụp đổ thì uổng công gầy dựng, thậm chí ảnh hưởng chung đến nền kinh tế.
Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Cấp bách hoàn thiện thể chế
Kinh tế đất nước đang trong thời kỳ ổn định và khởi sắc nhưng để có điều kiện phát triển bền vững hơn thì thể chế, tức môi trường về luật pháp, phải hoàn thiện hơn. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với thế giới còn thấp vì ban hành nhiều luật nhưng mâu thuẫn với nhau, sửa đổi không kịp thời. Do vậy, thể chế vẫn là điểm yếu và cần cấp bách hoàn thiện.
Vấn đề tiếp theo là hạ tầng giao thông. Nếu không tháo gỡ được thì chi phí sản xuất, chi phí logistics của doanh nghiệp rất cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. Bên cạnh đó, cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng sự phát triển của cách mạng công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, cần bàn cơ chế khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo vườn ươm đầu tư phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó kinh tế tư nhân có động lực để tiếp tục phát triển.
Ngoài ra, vấn đề tội phạm, băng nhóm manh động tàn bạo, mất nhân tính… cũng là những điểm nóng mà cử tri gửi gắm đại biểu đưa tới hội trường QH, nhằm tiếp tục có giải pháp xử lý quyết liệt hơn nữa để đem lại sự bình yên cho nhân dân.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp:
Hàng loạt vấn đề nóng
Tôi sẽ bấm nút thảo luận về 2 nội dung liên quan đến ĐBSCL. Đó là Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và vấn đề kết nối giao thông, hạ tầng vùng ĐBSCL, tạo đà phát triển cho khu vực. Hạ tầng giao thông tại đây vẫn là nút thắt. Người dân tuy không còn phải "lụy đò" như xưa nhưng phải "lụy đường". Khai thông được nút thắt này thì liên kết vùng ĐBSCL mới đạt hiệu quả cao.
Quốc hội cũng nên thảo luận về nhiều tình trạng bất an trong xã hội dai dẳng qua các năm, như nạn cờ bạc, tai nạn giao thông, sử dụng chất kích thích, hiếp dâm trẻ em, bạo lực học đường, gian lận thi cử, giết người cướp của… Ngoài ra, hàng loạt vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết như xử lý dự án thua lỗ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm chạp, nợ công gây áp lực cho ngân sách, vấn đề giải cứu nông sản hết năm này qua năm khác…
Mặc dù tờ trình của Chính phủ nêu nhiều giải pháp để xử lý nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh vấn đề điều hành chỉ đạo, tổ chức của Chính phủ phải hiệu quả hơn nữa. Theo đó, con người là yếu tố quan trọng, cần đủ tâm, tầm, trách nhiệm để xử lý quyết liệt trong mọi tình huống.
Bình luận (0)