Trong một cuộc trao đổi bàn tròn diễn diễn ra trong tuần tại Hà Nội, ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đã phân tích về hai xu hướng có vẻ trái ngược nhau trong cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, trong cuộc trao đổi tại Hà Nội - Ảnh: Dương Ngọc
Đàm phán COC chỉ là chiến thuật ngoại giao
Về động thái gần đây của Trung Quốc đồng ý với ASEAN về khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhưng vẫn tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông, ông Poling nói rằng sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết vào tháng 7-2016, mọi người đều nghĩ Trung Quốc sẽ phản ứng quá mức ở khu vực. Nhưng Trung Quốc lại nhận được "món quà" từ Philippines khi nước này thay đổi thái độ trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc thấy đó là cơ hội nên đẩy mạnh mặt trận ngoại giao ở Đông Nam Á. Nhưng trong khi đó, Bắc Kinh không hề giảm bớt hoạt động xây dựng và quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp. Và ngày qua ngày, lại chứng kiến thêm nhiều tàu Trung Quốc tuần tra ở Biển Đông.
Tàu Trung Quốc quanh đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Reuters
"Hai xu hướng này có vẻ trái ngược nhau. Có thể là Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy ngoại giao, hoặc vẫn chuẩn bị cho khả năng quân sự của mình để dùng vũ lực nhiều hơn, hoặc cả hai. Khi nhìn vào bằng chứng, chúng ta thấy rằng Trung Quốc đang dùng ngoại giao như một chiến thuật, trong khi vẫn củng cố hiện diện ở Trường Sa. Nhưng có thể họ sẽ quay trở lại cách hành động vũ lực hơn, hung hăng hơn, bắt nạt hơn trong tương lai"- chuyên gia kỳ cựu của CSIS dự báo.
Các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc vào giữa tháng 11-2017 nhất trí bắt đầu thảo luận COC dựa trên khung mà các ngoại trưởng đã thông qua trong hồi tháng 8. Dự kiến hai bên bắt đầu đàm phán vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, ông Poling cho rằng có rủi ro trong quá trình đàm phán COC hiện nay. Đánh giá không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đàm phán một COC công bằng với ASEAN, ông khẳng định việc Trung Quốc nói rằng sẵn sàng đàm phán COC chỉ là chiến thuật ngoại giao của họ để các nước ASEAN ngừng những nỗ lực khác trong quá trình đàm phán COC trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa và càng ngày họ càng giành được lợi thế lớn hơn so với các bên liên quan khác trên Biển Đông.
"Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa các căn cứ trên Biển Đông và càng ngày họ càng giành được lợi thế lớn hơn so với các bên liên quan khác trên Biển Đông. Các nước khu vực có thể dừng những nỗ lực khác ở Biển Đông, sẵn sàng ngăn chặn các hành động gây hấn vì hy vọng sẽ đạt được COC, nhưng Trung Quốc không từ bỏ điều gì"- ông Gregory Poling nhận định.
Việt Nam và ASEAN nên làm gì?
Theo vị chuyên gia Mỹ, Việt Nam và ASEAN vẫn nên tiếp tục nói về COC, giữ vững quan điểm của COC. "ASEAN đã nói về COC trong 20 năm và tôi nghĩ sẽ phải nói về điều đó trong 20 năm nữa. Nhưng ngoài COC cần phải có những nỗ lực khác nữa. Một phần trong đó là xây dựng năng lực cho lực lượng bảo vệ bờ biển, năng lực để bảo vệ mình trong cuộc chơi. Vì mục tiêu của Trung Quốc là lấn lướt các quốc gia khác trong khu vực, dần biến "đường lưỡi bò" của họ trở thành hiện thực. Vì thế các quốc gia trong khu vực cần hợp tác với nhau, hợp tác với bên ngoài, không chỉ với Mỹ mà cả những nước khác quan tâm đến tình hình ở Biển Đông như Úc, Nhật Bản…"- chuyên gia Mỹ nói.
Bắc Kinh không hề giảm bớt hoạt động xây dựng và quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp. Ảnh: Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép - Ảnh: Reuters
Ngoài ra, trên mặt trận ngoại giao, những nước như Việt Nam hay Philippines tiếp tục phải cảnh giác, còn những nước ASEAN khác như Malaysia hay Indonesia cần lên tiếng về những điều họ mong muốn ở COC, đừng để Trung Quốc ấn định giọng điệu đàm phán, chi phối thảo luận.
Là người giám sát các nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt tập trung vào lĩnh vực hàng hải và các quốc gia Đông Nam Á, ông Poling cho rằng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ thời gian qua đã thay đổi đáng kinh ngạc, nhiều tiến triển đáng ghi nhận.
Mục tiêu của Mỹ trong hợp tác quốc phòng với Việt Nam là nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển, cụ thể là cảnh sát biển và hải quân Việt Nam . Việc Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam vào tháng 5-2016 mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn nữa, Mỹ có thể cung cấp, hợp tác hỗ trợ về vấn đề này. Tuy trang thiết bị quân sự của Việt Nam trên cơ sở có sự hỗ trợ của Nga song Mỹ có thế mạnh và hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả hơn trong lĩnh vực hải quân như hỗ trợ về trang thiết bị, tàu thuyền tuần tra… "Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn nằm ở phía Việt Nam, vì trong những vùng biển Việt Nam kiểm soát, Việt Nam có nỗ lực của riêng mình để thực thi những quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình"- ông nói.
Biển Đông có thể cạn kiệt hải sản chỉ trong 10 năm nữa
Trong khi chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đàm phán COC công bằng với ASEAN, theo ông Polling, Việt Nam và các nước trong khu vực nên triển khai ngay kế hoạch quản lý nghề cá và bảo tồn môi trường ở vùng biển tranh chấp để cứu vãn tài nguyên sắp cạn kiệt.
Giám đốc AMTI đang có chuyến đi đến các nước ASEAN, thảo luận với các bên để thúc đẩy sáng kiến Quản lý nghề cá và hợp tác môi trường ở Biển Đông. Sáng kiến này tạm gác sang một bên tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền. Ông kỳ vọng kế hoạch này sẽ giúp các nước thành viên ASEAN có thoả thuận với nhau để đặt lên bàn thảo luận với Trung Quốc, chứ không phải hỏi Bắc Kinh "Các ông muốn bàn gì nào". "Tôi không tự tin rằng Trung Quốc có thể tham gia vào khuôn khổ ngoại giao nào. Nhưng tôi tin rằng nếu các nước Đông Nam Á đưa ra kế hoạch chi tiết hoặc một khuôn khổ gì đó dựa trên những nguyên tắc quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường ở biển Đông thì sẽ gây ra áp lực lớn lên Trung Quốc, khiến nước này phải hành động"- ông Polling phân tích.
"Mỹ có thể tham gia vào việc phân chia khu vực cần bảo tồn trên biển Đông, có thể hỗ trợ kỹ thuật nếu được yêu cầu, và tôi nghĩ điều này mở cho tất cả các chuyên gia quốc tế. Nhưng mong muốn chính trị phải xuất phát từ trong khu vực này chứ không phải từ bên ngoài"- ông lưu ý.
Bình luận (0)