xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biển Đông tiềm ẩn sóng ngầm phức tạp

THU HẰNG - PHAN ANH

Quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) nên tập trung thêm vào việc quy định các nguyên tắc như không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực, duy trì nguyên trạng…

Đó là đề xuất của các học giả tại hội thảo quốc tế lần thứ 9 về biển Đông với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực" hôm 28-11, ở TP HCM.

Tránh "tiêu chuẩn kép"

Qua 7 phiên làm việc trong 2 ngày (27 và 28-11) diễn ra hội thảo do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, các học giả chia sẻ quan điểm năm 2017, tình hình biển Đông yên ả trên bề mặt song vẫn tiềm ẩn nguy cơ sóng ngầm phức tạp.

Khác biệt trong lập trường và nhận thức của các nước về lịch sử và các diễn biến trên thực địa cùng việc luật pháp quốc tế không được tuân thủ triệt để là nguyên nhân khiến tranh chấp trên biển Đông có thể trở nên căng thẳng hơn. Ngoài các tranh chấp truyền thống, tình hình biển Đông còn phức tạp hơn do sự xuất hiện và phát triển của những thách thức phi truyền thống trong khu vực như: tình trạng biến đổi khí hậu, khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên, cướp biển, khủng bố và tội phạm trên biển.

"Học thuyết Donald Trump" với việc chú trọng đến thương mại và theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trước tiên" và sự điều chỉnh cách tiếp cận của Philippines đối với vấn đề biển Đông dưới chính quyền của Tổng thống Duterte đã tạo ra những điều kiện tương đối thuận lợi với Trung Quốc ở biển Đông.

Đánh giá cao vai trò của luật pháp trong duy trì hòa bình, ổn định tại vùng biển "trái tim" của khu vực này, các học giả cho rằng các nước thay vì tìm cách khai thác các lỗ hổng của luật pháp quốc tế cần tập trung xây dựng, hoàn thiện và thống nhất cách diễn giải để thúc đẩy hòa bình và hợp tác trên biển; tránh "tiêu chuẩn kép" trong diễn giải và thực thi luật pháp quốc tế. Các quốc gia, tổ chức có lợi ích ở biển Đông như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Úc và ASEAN cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong khu vực.

Biển Đông tiềm ẩn sóng ngầm phức tạp - Ảnh 1.

Các học giả thảo luận về tình hình biển Đông tại hội thảo ở TP HCM ngày 28-11 Ảnh: TẤN THẠNH

Đắp "thêm thịt" cho khung COC

Điều chỉnh các hoạt động trên biển theo hướng biến những thách thức nảy sinh từ các hoạt động trên biển thành các cơ hội để các quốc gia tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển bền vững là chủ đề nhận được nhiều đồng thuận tại hội thảo. Theo đó, các quốc gia có thể thiết lập cơ chế hợp tác với lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường, chống cướp biển... Trong lĩnh vực an toàn hàng hải và phòng chống đụng độ trên biển, hợp tác trong việc thực thi nghĩa vụ của quốc gia, hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển, cũng như thực thi các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và các Công ước về An toàn hàng hải của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các vụ đụng độ trên biển.

Liên quan tới COC, bên cạnh các đề xuất nêu trên, các học giả cũng cho rằng quá trình đàm phán có thể nói thêm về nỗ lực kiềm chế, cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác, danh sách các hành động nên được khuyến khích và các hành động không được thực hiện ở biển Đông, cũng như các bộ quy tắc ứng xử đặc thù… Đề cập vấn đề này bên lề hội thảo, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng COC đã được các nước bàn hơn 1 năm nay và là một điểm nhấn về sự tiến bộ.

Theo đó, có COC, ít nhất có một cơ sở để từ đó các nước đàm phán, làm cho khung COC được đắp "thêm thịt". Đối với câu hỏi làm sao để COC thật sự là một văn kiện điều chỉnh hành vi các nước, ông Tùng cho rằng phụ thuộc vào phạm vi địa lý, tính pháp lý ràng buộc và khả năng thực thi của COC. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tránh đưa ra những kỳ vọng phi thực tế về COC.

"Chúng ta cần nghĩ về biển Đông một cách thông minh, có cách tiếp cận dựa vào sự tham gia rộng rãi của mọi người để làm sao cùng nhìn nhận và giải quyết vấn đề khéo léo" - ông Tùng nêu quan điểm.

Trong khi đó, nhấn mạnh tới tính ràng buộc pháp lý đối với COC chuẩn bị được ASEAN và Trung Quốc đàm phán, giáo sư Carlyle Thayer - ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc - bày tỏ kỳ vọng vào năm 2018, sau khi tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên ASEAN từ Philippines, Singapore sẽ đẩy mạnh tiến trình đàm phán này, trong đó tính đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế và sự tự do đi lại ở biển Đông. 

Bình phong hay thực chất?

Chia sẻ bên lề hội thảo, nhà nghiên cứu cấp cao Hideshi Tokuchi thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông đang đi ngược với các luật lệ quốc tế đã được xác lập. Hợp tác với nền kinh tế số 2 thế giới là cần thiết trong thời đại toàn cầu hóa nhưng Bắc Kinh cần tôn trọng luật lệ quốc tế. Vị chuyên gia uy tín của Nhật cũng nhận định các quốc gia trong khu vực cần độc lập về kinh tế với Bắc Kinh.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng nhìn nhận hội thảo lần này, các học giả Trung Quốc nói rất nhiều về hợp tác gắn với chiến lược "Nhất đới, nhất lộ" (hay còn gọi "Một vành đai, một con đường" - PV) gắn với các biện pháp giảm căng thẳng trên biển Đông. Theo ông Tùng, sau Đại hội Đảng lần thứ 19, hướng hợp tác của Trung Quốc tăng lên.

"Nhưng chúng ta cần tỉnh táo đặt vấn đề ngược lại: Hợp tác ở đây mà các học giả Trung Quốc nói đến là bình phong hay thực chất. Nếu là bình phong thì đằng sau các hợp tác ấy là gì để khẳng định chủ quyền kín đáo, quyết liệt hơn. Nếu thực chất thì cho thấy Trung Quốc có sự chuyển về chính sách, đẩy mạnh hợp tác khu vực" - ông Tùng phân tích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo