Chiều 7-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV với 53 câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được gửi tới bộ trưởng ngay khi phiên chất vấn bắt đầu. Những nội dung ĐB chất vấn là cần giải pháp cho thị trường tiêu thụ nông sản tránh được mùa - mất giá, nâng cao giá trị sản phẩm, giá vật tư đầu vào nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu giảm.
Tổ chức lại sản suất,thị trường
ĐB Trần Thị Hoa Ri (Bạc Liêu) đặt vấn đề tình trạng vật tư nông nghiệp tăng, điệp khúc được mùa mất giá, người dân loay hoay tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp không mới và xưa nay được nói đến nhiều. Vậy đâu là điểm nghẽn và bao giờ khắc phục triệt để tình trạng này để nông nghiệp phát huy tiềm năng, thế mạnh?
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nếu có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương thì vấn đề tiêu thụ nông sản sẽ được giải quyết tốt hơn. Dẫn chứng bài học từ vụ xoài Sơn La, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang hay nhãn lồng của Hưng Yên khi lãnh đạo các địa phương này đích thân đi giới thiệu sản phẩm, Bộ trưởng nhấn mạnh phải dũng cảm, kiên trì đi cùng nhau thì mới giải quyết được câu chuyện "được mùa - mất giá".
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn đã đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào nội dung đại biểu chất vấn: "Với trách nhiệm quản lý nhà nước và tư lệnh ngành, lĩnh vực, nếu Bộ trưởng trả lời rằng để giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu thì hỏi địa phương, vậy vai trò của Bộ NN-PTNT ở đâu?". Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định không thoái thác trách nhiệm mà "sẽ làm hết mình trên cương vị Bộ trưởng". Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng nếu các địa phương cùng vào cuộc, năng động hơn thì những điểm nghẽn, ách tắc trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giải quyết nhanh hơn.
Trả lời vấn đề liên quan tới ùn ứ nông sản của ĐB Hoàng Anh Công (Thái Nguyên), Bộ trưởng đặt vấn đề ngoài ảnh hưởng bởi Covid-19 thì còn do thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính hơn và khi Trung Quốc thay đổi những biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn, vệ sinh thực phẩm thì chúng ta chậm thay đổi. Thừa nhận việc chậm thông tin để cho người dân có trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương, trong đó có Bộ NN-PTNT nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng chỉ có một cách duy nhất là tổ chức lại khâu sản xuất, thị trường, các hiệp hội ngành hàng để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cũng như định vị lại từng loại thị trường.
Về việc "được mùa - mất giá", theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đó là quy luật kinh tế, khi cung vượt cầu, được mùa thì giá xuống. "Vấn đề là chúng ta khống chế được quy luật kinh tế bằng 2 cách: Dư thừa thì có biện pháp trữ lại, chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường; chuẩn hóa nông sản để đáp ứng thị trường, chính quy lại nguồn hàng, thông tin minh bạch số lượng mùa vụ cho từng loại nông sản và phân bổ trong từng loại thị trường. Bộ NN-PTNT nhận trách nhiệm với Thủ tướng Chính phủ và sẽ sớm cùng với các cơ quan thương vụ ở nước ngoài làm việc này" - Bộ trưởng cam kết.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) phát biểu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Lê Minh HoanẢnh: Doãn Tấn
Ngư dân giỏi bị nợ ngân hàng khi đóng tàu sắt
Bấm nút tranh luận với phần trả lời của bộ trưởng với nhiều ĐB khác, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) bảy tỏ sự không hài lòng. Theo nữ ĐB là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, trên thực tế có những quy luật thị trường - đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị vào vai trò quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường, có 4 vai trò cân bằng đó là kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo thị trường. "Trên thực tế xác định kết quả đầu ra, đó là một quy luật tiên tiến và thông lệ quốc tế đang áp dụng" - vị ĐB này nói.
Theo ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), thời gian qua nhiều ngư dân rất vất vả khi giá xăng dầu tăng cao, một số ngư dân miền Trung phải cho tàu nằm bờ. Vị ĐB này đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết những giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là giải pháp phối hợp với Bộ Công Thương để có chính sách bình ổn giá, hỗ trợ cho ngư dân bám biển và đạt hiệu quả kinh tế. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết bộ đã làm hết sức cùng hiệp hội ngành hàng để giảm thiểu rủi ro cho ngư dân trong điều kiện có thể. Hiện Bộ NN-PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng vì trữ lượng hải sản không còn dồi dào.
Cũng quan tâm đến ngư dân, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản và mục tiêu hiện đại hóa tàu cá giúp ngư dân đóng tàu sắt vươn khơi bám biển đã hơn 7 năm, nhiều ngư dân đánh bắt giỏi nhưng sau đó mắc nợ. Vậy nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ việc này? Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nghị định 67 nhằm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi bám biển, vừa giữ gìn biển đảo; song vấn đề này liên quan đến các thiết chế tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Bộ đang dự thảo nghị định thay thế Nghị định 67. Bộ trưởng cho biết: "Có rất nhiều bài học được rút ra, đầu tiên là chương trình rất lớn, do khách quan nên xây dựng đề án trong thời gian ngắn. Chủ trương này đã xác lập được đội tàu vươn khơi nhưng có cái không lường trước được liên quan đến tổ chức, có trách nhiệm Bộ NN-PTNT và các đơn vị khác".
Ông Lê Minh Hoan cho rằng trong đại dịch Covid-19, các tàu không ra khơi được, ngư dân gặp nhiều khó khăn chồng chất. Bên cạnh đó không phải cứ có tiền là giải quyết được vấn đề mà phải tổ chức ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản địa phương. "Khâu xét chọn các ngư dân tham gia hưởng chính sách của Nghị định 67 để được vay vốn đóng tàu cần chặt chẽ hơn. Đơn cử, có nhóm khoảng 300 tàu được xây dựng, có chức năng chuyên cung cấp hậu cần cho tàu khác để ngư dân sống dài ngày trên biển hơn. Tuy nhiên, nhiều tàu cá đã có đối tác chuyên cung cấp hậu cần. Vì vậy, những nhóm tàu được kỳ vọng làm hậu cần thì lại không phát triển được" - ông phân tích và thừa nhận vấn đề tổ chức lại đề án, chiến lược phải đánh giá nhiều chiều.
Hôm nay (8-6), QH tiếp tục phần chất vấn; đăng đàn là Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất sâu sát với ngành nông nghiệp
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đi sát vào các vấn đề ĐB nêu, đã trả lời rất thẳng thắn các câu hỏi và tự nhận những tồn tại, nêu những giải pháp khắc phục thời gian tới để ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững. Đi vào vấn đề cụ thể được chất vấn như giải pháp khắc phục tình trạng phân bón giả và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, vị ĐB này cho rằng vấn đề này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan và trong các giải pháp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ra cũng đã đề cập đến sự phối hợp đó. ĐB Nguyễn Tạo cũng đánh giá cao giải pháp tạo sự liên kết giữa người nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để giải quyết tốt hơn vấn đề tiêu thụ nông sản mà "tư lệnh" ngành đã trả lời trước QH và cử tri.
ĐB Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nam Định, cũng nhận xét Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã thể hiện trách nhiệm trong phần trả lời về vấn đề sản phẩm nông nghiệp sạch. Nội dung trả lời của Bộ trưởng đã thể hiện định hướng rõ ràng của ngành nông nghiệp trong việc phát triển sản phẩm xanh - sạch và đề cập đến vai trò thực thi, phối hợp của địa phương. Theo ĐB Nguyễn Hải Dũng, không chỉ có buổi chất vấn hôm nay Bộ trưởng Lê Minh Hoan mới thể hiện sự sâu sát với ngành nông nghiệp, mà trong suốt quá trình với vai trò là người đứng đầu Bộ NN-PTNT, ông Lê Minh Hoan đã cho thấy rõ định hướng, bám sát tình hình và chỉ đạo kịp thời đối với ngành.
Bình luận (0)