Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Xu hướng xây dựng đô thị thông minh trên thế giới đang tăng tốc rất nhanh bởi tác nhân thúc đẩy từ sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự phát triển của TP HCM không thể nằm ngoài xu hướng này. Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" đã vạch ra tầm nhìn, lộ trình, giải pháp xây dựng đô thị thông minh, trong đó xác định 5 nhóm giải pháp có tính đột phá:
Thứ nhất, xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Trong dự án xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái mở của TP HCM, 3 thực thể quan trọng nhất là "Người dân", "Doanh nghiệp" và "Thửa đất" (theo bản đồ địa chính) được chọn để ưu tiên xây dựng trước.
Hiện Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình UBND TP kế hoạch triển khai xây dựng kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 1) và đang triển khai một số nội dung quan trọng như: nghiên cứu hoàn thiện kiến trúc kho dữ liệu dùng chung và kiến trúc cơ sở dữ liệu người dân; đưa kho dữ liệu dùng chung của TP - giai đoạn 1 đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung (trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở - ngành thành phố). Trên cơ sở kho dữ liệu dùng chung, TP đã phát triển phần mềm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TP (ứng dụng di động thông minh, màn hình điều hành - City Dashboard) và cổng dữ liệu mở (tại địa chỉ https://data. hochiminhcity.gov.vn) nhằm chia sẻ tài nguyên dữ liệu với người dân, giúp doanh nghiệp và người dân chủ động tìm kiếm, sử dụng, cập nhật dữ liệu và thông tin để phục vụ cho cuộc sống, công việc kinh doanh và đầu tư.
Thứ hai, xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Trung tâm này đã đi vào hoạt động từ 12-4-2019, là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng của đô thị phục vụ nhu cầu điều hành quản lý tổng thể của lãnh đạo TP, qua đó giúp giám sát, phân tích đánh giá chất lượng dịch vụ, hỗ trợ ra quyết định và xây dựng cơ chế, chính sách. Trung tâm điều hành đô thị thông minh tạo điều kiện cho các tổ chức, cơ quan chức năng dễ dàng giao tiếp, phối hợp và đồng bộ các thông tin, hoạt động theo thời gian thực để vừa cung cấp bức tranh toàn cảnh về các hoạt động của TP cho lãnh đạo các cấp, vừa giúp nâng tầm chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP. Trung tâm sẽ nghiên cứu, xây dựng các mô hình mô phỏng, dự báo đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: tăng trưởng GDP và cơ cấu kinh tế; nhu cầu nguồn nhân lực; tăng trưởng dân số; nhu cầu sử dụng đất cho các lĩnh vực; nhu cầu giao thông phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu sử dụng năng lượng và nước sạch; nhu cầu xử lý rác thải; nhu cầu nhà ở; nhu cầu về các dịch vụ y tế, giáo dục…
Thứ tư, thành lập Trung tâm An toàn thông tin của TP. Để bảo đảm an toàn cho hoạt động của các trung tâm trên, cũng như các hoạt động khác của TP khi đô thị thông minh hình thành, không thể thiếu việc bảo đảm an toàn bảo mật thông tin, toàn vẹn dữ liệu. Trung tâm An toàn thông tin có nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng, đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu liên quan đến an toàn thông tin cũng như an toàn cho các hệ thống thông tin, các hệ thống tự động hóa, hệ thống giám sát, điều khiển trong các cơ sở hạ tầng, dữ liệu trọng yếu của TP.
Thứ năm, xây dựng chính quyền điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số, chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh. Chính quyền điện tử sẽ được xây dựng trên cơ sở công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và tận dụng kênh mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ công thông minh cho người dân và doanh nghiệp…
Ngoài ra, các sở - ban - ngành, quận - huyện cũng đang tăng tốc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong quản lý, quản trị tại đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bình luận (0)