Dù đạt trên 90% khối lượng công việc nhưng dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng chưa chắc chắn thời điểm về đích
Công trình cống Tân Thuận nằm trên kênh Tẻ nối quận 7 và quận 4, TP HCM được kỳ vọng là giải pháp ngăn triều từ sông Sài Gòn vào kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, giúp người dân quận 4, quận 7 và quận 8 thoát cảnh ngập nước.
Cống Tân Thuận 7 năm vẫn chưa hoàn thành
Gần xong thì phải dừng
Vì nhà gần nên mỗi tuần ông Huỳnh Văn Hải (70 tuổi; ngụ đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận Đông, quận 7) tới cống Tân Thuận vài lần. Ông Hải cho hay sống ở đây từ trước năm 1975, từ lâu rồi, cứ mưa lớn kết hợp triều cường là người dân khổ sở vì nước ngập.
Năm 2016, biết dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) khởi công, ông và hàng chục hộ xung quanh "mở cờ trong bụng", nghe thông tin cống làm 3 năm sẽ xong lại càng vui. Tuy nhiên, tới nay đã 7 năm, công trình gần hoàn thành thì đột ngột dừng lại rồi cỏ mọc lên um tùm khiến ai nấy khó hiểu.
Ảnh hưởng từ thi công công trình, nhà nhiều hộ dân bị nứt tường
Theo ông Hải, từ ngày khởi công công trình, tường nhà ông và nhiều hộ dân bị nứt, bong tróc, được nhà đầu tư nói mua bảo hiểm hỗ trợ. "Nhưng đến nay chúng tôi cũng chưa được giải quyết quyền lợi và không biết công trình còn kéo dài đến bao giờ" - ông Hải nói.
Ngoài 50 tuổi, bà Phụng, hàng xóm của ông Hải, khi nhắc tới công trình đã không giấu nổi vẻ trầm ngâm: "Mưa xuống là cả khu vực như biển nước. Công việc buôn bán của những hộ dân vì thế cũng rất khó khăn. Tôi mong nó sớm hoàn thành để bớt cực phần nào" - bà Phụng bày tỏ.
Cống Tân Thuận khi hoàn thành 93% khối lượng công việc thì tạm dừng thi công. Ba năm nay tại khu vực xung quanh công trình, một số khoảng đất được người dân trồng rau, trồng hoa, còn lại là rác thải, vật liệu xây dựng ngổn ngang. Do ngừng thi công đã lâu nên nhiều kết cấu bằng kim loại cũng gỉ sét.
Gỉ sét phía trên và rác vây bên dưới quanh công trình cống Tân Thuận
Máy móc phơi mưa nắng
Trong khi đó, việc thi công cống Phú Định nằm trên kênh Đôi (quận 8) - ngăn triều từ sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm thành phố - cũng tạm dừng sau khi hoàn tất một khối lượng đáng kể công việc. Người dân cho biết khoảng 1 năm nay, công trình chỉ có bác bảo vệ hay ra vào.
Tại đây, máy móc, thiết bị đặt ngổn ngang, gỉ sét, cỏ dại mọc và nhiều hàng rào bị ai đó tháo dỡ để lấy ánh sáng.
Ở mặt đường Phú Định, các bục bê-tông, rào chắn chiếm gần trọn đường, đoạn làm cống còn khoảng 300 m nhưng nhiều "ổ gà" và bụi bẩn nên việc lưu thông rất khó khăn, người dân phải tự mua cát về đổ để tránh lúc trời mưa gây lầy lội.
Theo bà Trần Thị Hai (69 tuổi, ngụ phường 16, quận 8), ảnh hưởng từ việc xây dựng công trình dẫn đến nứt tường nhà nên gia đình bà được bồi thường hơn 60 triệu đồng nhưng số tiền này bà không thể xây dựng lại nhà được. "Sau dịch COVID-19, cuộc sống đã khổ thì nay còn khổ hơn, đường quá xấu nên chẳng mấy ai qua đây, tiệm tạp hóa của tôi có khi mỗi ngày chỉ trên dưới 10 khách ghé mua" - bà Hai kể và nói thêm ở đây không nhà nào không sắm máy bơm, vì trời mưa là phải mở máy bơm để đẩy nước ngập trở ngược ra kênh.
Các tảng bê-tông, rào chắn chiếm hơn nửa mặt đường Phú Định (quận 8, TP HCM). Ảnh: ANH VŨ
Thiệt tiền tỉ mỗi ngày
Cống Tân Thuận, cống Phú Định nằm trong số nhiều hạng mục của dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. Bốn cống ngăn triều khác gồm Bến Nghé (quận 1 nối quận 4), Cây Khô (huyện Nhà Bè), Mương Chuối (huyện Nhà Bè) và Phú Xuân (huyện Nhà Bè nối quận 7). Trong đó, cống Mương Chuối nằm tại con sông cùng tên có quy mô lớn nhất.
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng được khởi công vào tháng 6-2016, được tính toán sẽ kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực trung tâm TP HCM, bờ hữu sông Sài Gòn. Dự án do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Sau 7 năm, dự án trải qua 3 lần tạm dừng thi công - lần 1 vào tháng 4-2018, lần 2 là tháng 8-2019 và lần 3 là tháng 11-2020. Lý do được đưa ra là vì hết hạn hợp đồng BT, hết thời gian giải ngân tái cấp vốn... Tới nay, dự án này vẫn chưa thể tiếp tục triển khai.
Trong khi chờ giải pháp để tháo gỡ vướng mắc thì việc dự án kéo dài và có nguy cơ đội vốn đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Còn theo tính toán của nhà đầu tư, đến cuối tháng 5-2023, tổng lãi vay phát sinh của dự án là hơn 1.519 tỉ đồng. Cứ kéo dài thêm 1 ngày sẽ phát sinh thêm khoảng 1,46 tỉ đồng tiền lãi/ngày.
Để hoàn thành sớm nhất có thể, đầu năm 2023, UBND TP HCM ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành dự án. Theo phụ lục hợp đồng, dự án hoàn thành vào tháng 5-2024. Một động thái khác, mới đây nhất, Thành ủy TP HCM lập 13 tổ công tác kiểm tra, giám sát các dự án trọng điểm. Theo đó, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với 3 dự án và dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng nằm trong số này.
Chờ đợi thêm 7%
Vào tháng 3-2023, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường kiểm tra thực địa các công trình dự án này.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, nhà đầu tư cho biết các hạng mục của dự án đã hoàn thành 85%-97%, tổng thể đạt 93%. Cụ thể, cống Bến Nghé hiện đã hoàn thành 97%, cống Tân Thuận hoàn thành 93%, cống Phú Xuân 90%, cống Mương Chuối 93%, cống Cây Khô 86%, cống Phú Định 88%, đê kè 85%, cầu Kinh Bà Bướm 92%, nhà quản lý trung tâm 85%, hệ thống SCADA đã hoàn tất mua thiết bị...
Ảnh hưởng sinh kế
Theo nhiều chuyên gia, công trình tạm dừng thi công gây ra cảnh hàng ngàn tỉ đồng nằm phơi nắng, phơi mưa từ tháng này qua tháng nọ. Sự lãng phí này có thể định lượng nhưng thiệt hại khác khó đong đếm bằng con số, đó là sinh kế của người dân bị ảnh hưởng với những mức độ khác nhau. Điều này từ lâu đã được lưu ý.
Thực tế, khi trò chuyện với người dân địa phương nơi có dự án, phóng viên cảm nhận được sự mong chờ đau đáu. "Từ nhiều năm trước đã thấy hứa hẹn dự án sẽ hoàn thành, người dân sẽ bớt khổ mỗi khi triều cường. Nhưng rồi năm lần bảy lượt mà đến giờ vẫn dở dang. Người dân chúng tôi rất chờ đợi ngày dự án chính thức về đích" - một người dân sống trên đường Trần Xuân Soạn nói.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)