Nhìn ra đoạn kênh Hàng Bàng đen đặc và ngập ngụa rác dưới nắng gắt buổi trưa, ông Lê Văn Thình (70 tuổi; đường Phan Văn Khỏe, quận 6, TP HCM) kể với giọng buồn bã: Trường hợp của ông nằm trong số những hộ dân chưa di dời, dù sống chung với mùi hôi từ con kênh bốc lên mỗi ngày nhưng phải bấm bụng chấp nhận.
Băn khoăn chuyện an cư
Ông Thình cho hay gia đình sống ở đây nhiều năm. Hiện tại, 2 người con đi làm thuê còn vợ ông bán tạp hóa, cuộc sống khá vất vả. Sở dĩ gia đình ông chưa chịu di dời để trao mặt bằng cho dự án cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng (dự án kênh Hàng Bàng) vì nhận thấy mức giá bồi thường chưa hợp lý. Ông mong muốn địa phương xem xét điều này hoặc có phương án bố trí nơi ở gần khu vực để an cư lạc nghiệp.
Một đoạn kênh Hàng Bàng người dân sống ven bờ luôn băn khoăn chuyện sinh kế nếu phải dời đi sau khi nhận bồi thường
Chung tâm trạng với hàng xóm, bà Lê Ngọc Hiếu (59 tuổi) nói cũng trông mong địa phương xem xét lại mức giá bồi thường. "Tôi ở đây mấy chục năm, buôn bán tại chợ để nuôi gia đình. Nếu dời đi nơi khác, vừa mất sinh kế càng không biết tiền bồi thường có mua nổi đất để xây nhà hay không, còn mua chung cư thì bất tiện vì không thể buôn bán.
Đi dọc đoạn kênh 500 m thuộc giai đoạn 2 của dự án kênh Hàng Bàng, ghi nhận cho thấy nhiều đoạn kênh ngoài màu nước đen còn bốc mùi hôi nồng nặc do gánh lượng nước thải, rác thải sinh hoạt đổ xuống mỗi ngày.
Hai bên bờ kênh, nhiều đoạn cây cối mọc um tùm, thi thoảng thấy chuột chạy, ruồi muỗi thì vô số. Nằm dọc mé kênh là hàng chục căn nhà cấp 4 xập xệ.
Trái ngược với hình ảnh nhếch nhác ấy, cách đó không xa, đoạn kênh Hàng Bàng (từ đường Bình Tiên đến đường Lò Gốm) chiều dài hơn 200 m thuộc giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với hai bên là công viên cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa thu hút người dân đến hóng mát, tập thể dục.
Dân chờ, chủ đầu tư cũng chờ
Kênh Hàng Bàng ban đầu dài gần 2 km từ rạch Lò Gốm giữa 2 đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe chạy thẳng đến đường Bình Tiên rồi ra kênh Tàu Hủ, sau một đoạn được lắp cống thay kênh hở. Trước đây, dòng kênh là nơi mua bán sầm uất, "trên bến, dưới thuyền", cạnh các chợ đầu mối Kim Biên, Bình Tây. Sau năm 1975, con kênh bị thu hẹp, bồi lắng do nhiều người san đất xây nhà.
Khởi động từ năm 2015, dự án kênh Hàng Bàng qua địa bàn 2 quận 5, 6 thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP HCM với mục tiêu cải tạo tuyến kênh để giải quyết ngập trên các tuyến đường thuộc quận 5, 6 và 11, giảm ô nhiễm môi trường.
Cách đó không xa, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành với không gian tươi mới .Ảnh: ÁI MY
Dự án chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 hoàn thành năm 2017 với khoảng 390 m ở 2 đầu kênh được khôi phục. Giai đoạn 2 chiều dài 500 m đang thi công dang dở do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Giai đoạn 3 là phần còn lại, có 391 trường hợp bị ảnh hưởng, đến nay chưa thực hiện.
Trao đổi về dự án, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông), thừa nhận tiến độ bị chậm do vướng mặt bằng.
"Theo UBND quận 6, dự kiến quý III và quý IV năm nay sẽ từng bước bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để trong năm 2023 hoàn tất việc này.
Đoạn kênh Hàng Bàng đi qua quận 5 đang được UBND quận thực hiện GPMB và dự kiến cuối năm nay sẽ chi trả tiền bồi thường cho người dân. Khi có mặt bằng, Ban Giao thông sẽ thi công ngay và dự kiến xong trong 6 tháng.
Riêng đoạn kênh đi qua quận 6, các nhà thầu đang thi công đoạn kênh bên đường Bãi Sậy, đoạn kênh bên đường Phan Văn Khỏe vẫn chờ nhiều hộ dân bàn giao mặt bằng.
"Ban Giao thông linh hoạt, cứ có mặt bằng là tổ chức thi công như các đoạn trước đó. Chúng tôi cam kết nếu có mặt bằng, các nhà thầu sẽ hoàn tất công trình trong 6 tháng. Song song đó sẽ chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 3 để trọn vẹn việc cải tạo kênh Hàng Bàng theo yêu cầu của thành phố" - ông Phúc cho biết.
Trong khi đó, đại diện UBND quận 6 cho hay đoạn kênh từ đường Phạm Đình Hổ đến đường Ngô Nhân Tịnh dài 500 m với 344 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay đã 256/344 trường hợp di dời, hiện còn 88 trường hợp thuộc phường 2 chưa di dời, trong đó 11 trường hợp chưa nhận tiền và 77 trường hợp không đồng ý di dời.
Về lý do 77 trường hợp chưa chịu di dời, theo đại diện UBND quận 6, đa số hộ dân nói giá bồi thường thấp và muốn được hoán đổi vị trí nền đất tại khu vực lân cận cho tiện kinh doanh. Tuy nhiên, quận 6 không còn nền đất tái định cư theo phân bổ. "UBND quận sẽ tiếp tục vận động để người dân hiểu rõ và bàn giao mặt bằng trong năm 2023" - người đại diện này nói.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động số ra từ ngày 25-7
Còn nhiều dự án "ngóng" mặt bằng
Nhiều dự án lớn tại TP HCM đang trong tình trạng "lay lắt" vì thiếu mặt bằng. Dự án nâng cấp đường Lương Định của (TP Thủ Đức) dài gần 2,5 km khởi công từ năm 2015 nhưng đến nay chưa hoàn thành; dự án cầu Tăng Long, Nam Lý (TP Thủ Đức) đang thi công dang dở... nằm trong số đó.
Với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), rút kinh nghiệm từ tuyến metro số 1, tiến độ GPMB tuyến metro số 2 được đẩy nhanh, ban đầu dự kiến hoàn thành GPMB năm 2020 nhưng qua 3 năm, tiến độ bàn giao mặt bằng mới đạt 86,69% (508/586 trường hợp), còn vướng mặt bằng tại quận 3.
Bình luận (0)