Chiều 23-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra
Tại cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hiện nay, có tình trạng thiếu thuốc tại một số địa phương và bệnh viện tuyến trung ương. Các loại thuốc thiếu gồm: một số kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền... Cùng với đó, tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và trung ương, trong đó chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm và một số trang thiết bị y tế chuyên sâu.
Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do tác động của tình hình dịch Covid-19, mô hình bệnh tật. Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Thủ tướng yêu cầu đánh giá chính xác thực trạng, tiếp tục triển khai các giải pháp để bảo đảm về thuốc chữa bệnh và nhân lực y tế. Ảnh: NHẬT BẮC
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị cấp phép nhanh nhất khi có đề nghị của cơ sở nhập khẩu, cơ sở khám chữa bệnh đối với các thuốc hiếm về nguồn cung; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với những loại thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá...
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Y tế, thời gian gần đây có tình trạng thôi việc, nghỉ việc của nhân lực ngành y tế trong khu vực công. Để khắc phục tình trạng này, ngành y tế cần tổ chức điều động nhân lực nhằm hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế...
Khuyến khích người dám nghĩ, dám làm
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc gia hạn các loại thuốc chậm; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm chưa tích cực; việc phối hợp với các bộ, ngành trung ương và với địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt, nhiều cán bộ còn sợ trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan tiếp tục bám sát, đánh giá tình hình, mức độ thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một cách chính xác, khách quan, trung thực, toàn diện trên cơ sở số liệu thống kê, phân tích cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan; đưa ra giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.
Thủ tướng cho rằng phải tích cực hơn nữa, "lăn lộn với thực tế" để có giá thuốc phù hợp thị trường và người dân chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay. Trước mắt, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính... khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trên cơ sở đó, chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, chỉ rõ các nội dung vướng mắc, nằm ở đâu, ai giải quyết…
Bộ Y tế khẩn trương triển khai các nội dung trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dành cho ngành y tế với kinh phí khoảng 14.000 tỉ đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ triển khai theo đúng tinh thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền; xây dựng dự thảo nghị quyết để Chính phủ có nghị quyết chỉ đạo ngay về vấn đề này. Bộ Y tế rà soát, cùng các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung tại trung ương và địa phương. Nếu có vướng mắc thì tham khảo ý kiến các bộ, ngành, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trên tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng, chống tiêu cực.
"Phải có hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để người thực hiện yên tâm; khuyến khích người dám nghĩ, dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để phục vụ mua sắm, đấu thầu và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Sửa đổi chế độ phụ cấp ưu đãi
Trước tình trạng một số cán bộ, nhân viên cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp rà soát quy định về số lượng người làm việc, cơ cấu, tổ chức, bộ máy của các đơn vị trong ngành y; hoàn thiện các chính sách, xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn cho việc hợp tác công - tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, thu hút y tế tư nhân tham gia nhiều hơn sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 56/2011 về chế độ phụ cấp ưu đãi cho công chức, viên chức ngành y tế, bảo đảm tuân thủ quy định của Đảng; sớm ban hành chính sách hỗ trợ nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tầm nhìn dài hạn.
Bình luận (0)