Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cho biết thực hiện Nghị định 01/2017 (sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai), TP sẽ đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là sổ đỏ) cho nhà, đất mua bán bằng giấy tờ tay.
Khó như… lên trời
Nghị định 01/2017 có hiệu lực từ ngày 3-3-2017. Tròn 1 năm qua, số lượng hồ sơ mua bán nhà đất giấy tờ tay tại TP HCM được cho phép hợp thức hóa chiếm tỉ lệ rất ít. Điểm nghẽn là do người dân chưa chứng minh rõ nguồn gốc đất, trong khi cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ và không có câu trả lời thỏa đáng.
Tìm gặp lại những hộ dân từng mang hồ sơ đi xin cấp sổ đỏ lúc Nghị định 01/2017 mới có hiệu lực, phóng viên nhận thấy đa số vẫn chưa được cấp. Điển hình là trường hợp anh Trần Văn Thái (SN 1980; trú tại ấp 6, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn).
Người dân đến làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại UBND quận Bình Tân, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Do nhu cầu bức bách về nhà ở, anh Thái đánh liều mua giấy tờ tay căn nhà 40 m2. Thời điểm anh Thái mua vào năm 2008, nhà thuộc diện được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, lúc anh nộp hồ sơ, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn cho rằng trường hợp này rất khó giải quyết do chưa chứng minh được nguồn gốc căn nhà.
"Căn nhà của tôi do chủ hộ đầu hẻm đứng tên chung cho 10 căn nhà liền kề. Để được cấp sổ đỏ, tôi phải liên hệ 10 hộ này nhờ ký đầy đủ. Vì thấy phức tạp quá nên tôi thôi đi làm thủ tục" - anh Thái nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thành tá túc trong căn nhà cấp 4 ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Ông Thành rất vui khi biết tin căn nhà ông mua giấy tay được cho phép hợp thức hóa. Thế nhưng, suốt 1 năm qua, nhiều lần đi làm sổ đỏ, hồ sơ của ông vẫn chưa được xem xét. Nguyên nhân là vì ông còn thiếu giấy xác nhận mua bán từ chủ đất.
"Chủ đất đòi tôi chung chi 30 triệu đồng mới ký xác nhận. Vì không có tiền nên tôi đành chịu" - ông Thành bày tỏ.
Trường hợp khác là căn nhà ông Phạm Ngọc Trung (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9). Dù thuộc diện được cấp sổ đỏ theo Nghị định 01/2017 nhưng do nguồn gốc căn nhà mua đi bán lại tới 7 đời chủ nên hồ sơ của ông Trung bị tắc.
"Việc đi xác minh lần lượt từ người bán nhà đầu tiên khó như… lên trời. Tôi không thể làm được, đành chào thua" - ông Trung thất vọng.
Gỡ khó cho người dân
Theo Sở TN-MT TP HCM, qua rà soát, sở xác định có hơn 30.000 hồ sơ nhà, đất giao dịch bằng giấy tay nằm trong diện được làm sổ đỏ theo Nghị định 01/2017. Sở TN-MT TP đã có những lớp tập huấn, hướng dẫn cán bộ, nhân viên thực hiện các nội dung quy định tại nghị định này.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 01/2017 phát sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, khá nhiều hồ sơ đã bị trả lại vì chưa đủ điều kiện; nguồn gốc nhà, đất phức tạp, có tranh chấp… Điều này dẫn đến tỉ lệ được cấp sổ đỏ rất thấp.
Ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM thuộc Sở TN-MT TP, thông tin thêm nhiều hồ sơ giao dịch giấy tay là nhà ở xây trên đất nông nghiệp, mua bán lòng vòng qua nhiều người, gốc tích khó chứng minh. Đa phần các trường hợp không được xem xét cấp sô đỏ rơi vào trường hợp này.
Từ thực tiễn trên, các sở - ngành chức năng của TP HCM đã và đang tiếp tục đề ra biện pháp giải quyết các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho nhà, đất mua bán giấy tay trong năm nay. Qua rà soát, Sở TN-MT TP cho biết gần 10.000 trường hợp thuộc diện giao dịch nhà, đất bằng giấy tờ tay từ tháng 7-2004 đến ngày 1-1-2008 sẽ được cấp sổ đỏ.
Theo Sở TN-MT TP HCM, xuất phát từ tình hình thực tế, sở đã có nhiều kiến nghị "cởi trói" cho người dân bằng việc mở rộng thời gian cấp sổ đỏ đối với trường hợp mua bán giấy tay từ ngày 1-1-2008 đến 1-7-2014. Nếu việc này được chấp thuận, TP sẽ có thêm hơn 5.000 trường hợp nữa được xem xét.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, khẳng định để có thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ tồn đọng. Dự kiến trong năm nay, sở sẽ áp dụng phần mềm Villus vào việc liên thông giấy tờ. Với việc liên thông này, các đơn vị liên quan không phải tới lui mang hồ sơ đi giải quyết; quy trình xét duyệt hồ sơ rút gọn, rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ cho người dân.
Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết để được xem xét cấp sổ đỏ, người dân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã hoặc văn phòng đăng ký đất đai quận - huyện. Ngoài giấy tờ xin cấp sổ đỏ theo quy định, những trường hợp nhà, đất lấn chiếm phải thực hiện đóng phạt và khắc phục hậu quả vi phạm.
Đối với nhà xây dựng trên nền đất nông nghiệp, phải thực hiện quyền, nghĩa vụ chuyển đổi mục đích sử dụng, đóng tiền thuế đất và xem xét các vấn đề tranh chấp, có vướng quy hoạch hay không thì mới làm các bước thủ tục tiếp theo.
Bình luận (0)