Có đến Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản trung ương, tận mắt nhìn các bé sơ sinh tí hon nằm trong những chiếc lồng ấp lớn lên từng ngày, chúng tôi mới hiểu rõ hơn những cống hiến thầm lặng của các y bác sĩ nơi đây - tập thể được trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018.
Giành giật sự sống cho trẻ
Sau thời gian kiên nhẫn ngồi chờ tại hành lang của Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản trung ương, nhiều ông bố, bà mẹ được vào ngắm nhìn con đang được chăm sóc trong lồng kính. Thấy con hồng hào, tiến triển từng ngày qua sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, những bà mẹ, ông bố ôm chầm lấy nhau, nước mắt tuôn trào.
Lần đầu tiên được ôm con trai bé bỏng sau hơn 1 tháng chào đời, chị Nguyễn Thị Vân (ngụ huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) ngỡ như một giấc mơ. Chị trở dạ ở tuần thai thứ 28, con chào đời chỉ nặng 1,2 kg, lại mắc bệnh lý về tiêu hóa. "Thời gian đầu khi hai mẹ con phải cách ly, bé được nuôi dưỡng trong lồng ấp, cả nhà ai cũng lo lắng. Giờ thấy con hồng hào, lớn dần trong vòng tay yêu thương của y bác sĩ, vợ chồng tôi hạnh phúc vô cùng" - chị Vân bày tỏ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoa điều trị cho 2 trẻ sinh non, nuôi trong lồng kính
Đây chỉ là một trong số hàng ngàn trẻ sinh non được đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm nuôi dưỡng thành công. Theo thống kê, mỗi năm trung tâm tiếp nhận điều trị khoảng 25.000 - 26.000 ca sơ sinh. Trong đó, số trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng khoảng 4.000 ca và 30% số này nặng dưới 1,5 kg, tuổi thai dưới 30 tuần.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoa, phó giám đốc trung tâm, được nhiều ông bố, bà mẹ gọi bằng cái tên thân thiện: Mẹ Hoa. Bác sĩ không giấu nổi hạnh phúc khi cho chúng tôi xem hình ảnh cậu bé kháu khỉnh vừa tròn 2 tuổi, con của một cặp vợ chồng gần 50 tuổi. Bé được cứu sống khi chào đời ở 24 tuần tuổi, chỉ nặng 500 g. Nhìn hình ảnh cậu bé lanh lợi, khỏe mạnh, khó có thể đoán cháu đã trải qua những ngày tháng sinh - tử trong lồng kính. "Cháu chào đời khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ, sức đề kháng yếu, não, tim, phổi chưa hoàn thiện, thường xuyên xuất hiện các cơn ngừng tim, không thể cai được máy thở. Có những lúc chúng tôi tuyệt vọng, muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến cháu, nghĩ đến nỗi lòng thương con của cha mẹ, chúng tôi tiếp tục chiến đấu giành giật sự sống cho cháu" - bác sĩ Hoa bộc bạch.
Mỗi sinh linh, vạn hạnh phúc
Theo bác sĩ Hoa, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mang lại cơ hội làm mẹ cho nhiều chị em nhưng trong số đó cũng có nhiều bé thường là sinh đôi, sinh ba và sinh thiếu tháng. Do chào đời thiếu tháng nên các bé thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, như: ngạt suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành, suy tim, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử… Vì vậy, việc chăm sóc các bé vô cùng vất vả, phức tạp. "Nhiều bé nặng chỉ 500 - 600 g, sự sống rất mong manh đã được cứu sống sau nhiều tháng điều trị. Khi các bé được ra viện, về với gia đình của mình là lúc chúng tôi biết mình đang mang lại sự sống cho những sinh linh bé nhỏ" - bác sĩ Hoa chia sẻ.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Trang tỉ mẩn chăm sóc, giữ ấm cơ thể cho các bé
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, điều dưỡng trưởng Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, cho biết trung tâm là đơn vị đặc thù với 155 cán bộ, trong đó hết thảy 140 cán bộ, hội viên là phụ nữ. Hằng ngày, những người mẹ đỡ đầu cho trẻ sơ sinh này thay phiên nhau chăm sóc, theo dõi, phát hiện các dấu hiệu nguy cơ của trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, điều trị những ca trẻ sơ sinh sinh non, nhẹ cân, hội chứng suy hô hấp nặng, nhiễm khuẩn, dị tật bẩm sinh, bệnh chuyển hóa...
Cũng theo chị Trang, mỗi ngày trung tâm tiếp khoảng 70 bệnh nhi, đa số đều ở thể nặng, mong manh giữa sự sống và cái chết. Với các bé này, từ ăn uống, đi vệ sinh, thay bỉm hay mát-xa chữa bệnh đều do các nữ điều dưỡng đảm nhiệm. Những đứa trẻ chỉ 24 - 25 tuần nặng khoảng 500 - 600 g, chân bé chỉ bằng ngón tay của người lớn nên việc chăm sóc vô cùng vất vả, nhất là khi cơ thể mỗi bé luôn có 3-4 đường truyền tĩnh mạch gồm kháng sinh, sữa, dịch, trợ tim... Ngoài điều trị bệnh lý thì việc chăm sóc dinh dưỡng cho các bé sinh non hết sức tỉ mỉ, khoa học. Có những bé để ăn hết 1 ml sữa phải mất 3 giờ. Nếu bé ăn vào mà không đại tiện bình thường các cô điều dưỡng lại phải bơm, thụt để hút phân...
"Mỗi trái tim non hồi sinh là vạn lần hạnh phúc đối với chị em chúng tôi. Nhìn các cháu khỏe mạnh, trở về trong vòng tay của mẹ, chúng tôi như quên hết cực nhọc" - nữ điều dưỡng Trang bày tỏ.
Tỉ lệ nuôi sống của trẻ sinh non là 31%
Theo bác sĩ Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản trung ương - nhờ sự tiến bộ của khoa học nên tỉ lệ trẻ sinh non được cứu sống đã tăng lên rất nhiều. Năm 2010, lần đầu tiên trung tâm đã nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh có cân nặng thấp nhất tại Việt Nam là 500 g. Đây là 1 trong 10 thành tựu của ngành y tế năm 2010. Từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm đã cứu sống 3 trẻ 500 g (trong đó có 2 trẻ sinh đôi) và gần 20 trẻ có cân nặng chỉ 600 - 700 g. Trước đó, năm 2016, trung tâm cũng đã cứu sống bé Trần Gấu, thai 27 tuần, nhẹ cân, con của thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Hiện cháu bé đã được 2 tuổi, phát triển bình thường. Theo bác sĩ Trác, nếu ở Mỹ nơi có các kỹ thuật chăm sóc trẻ sơ sinh hiện đại nhất thế giới, tỉ lệ nuôi thành công các bé sinh non tháng, nặng 500 g hiện là 41% thì ở Bệnh viện Phụ sản trung ương, tỉ lệ này là 31%.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-10
Bình luận (0)