Nhiều người ở phường Cầu Ông Lãnh (quận 1, TP HCM) nói vui rằng 33 năm công tác là 33 năm bà Tô Thị Mỹ Linh, Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Ông Lãnh, "vác tù và" đi khắp nơi. Còn với bà Linh, 33 năm ấy không bao giờ quên nhiều chị em hồi gia, mãn hạn tù.
Nâng đỡ phụ nữ yếu thế
Bà Linh bộc bạch cách đây 10 năm, cán bộ phụ nữ phường coi việc hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế (mãn hạn tù, hồi gia, bị bạo hành…) như nhiệm vụ "bất khả thi". Bà hiểu rõ mặc cảm, tự ti của họ nên chủ động tìm đến tận nhà để lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ.
Chị T.T.N từng bị tuyên 8 năm tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Từ khi vào tù, chồng chị bỏ đi, để lại con gái nhỏ. Ngày trở về địa phương, chị lạc lõng, sống trong mặc cảm. Không nghề nghiệp, chị những tưởng một lần nữa "nhắm mắt đưa chân" lên "vết xe đổ" ma túy. Lúc ấy, trong đầu chị chỉ có một câu hỏi: Không bán ma túy thì lấy gì nuôi con?
Đó cũng là lúc bà Linh và các cán bộ Hội LHPN phường Cầu Ông Lãnh tìm đến. Bà lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu nỗi lòng của người lạc lối. Rồi bà động viên chị cố gắng vượt qua khó khăn, sống tử tế, chăm lo cho con cái ăn học nên người. Sau đó, bà Linh giới thiệu chị N. vào làm công nhân ở một doanh nghiệp. Có công ăn việc làm đàng hoàng, chị N. lấy lại cân bằng, tình nguyện tham gia hội, tích cực hưởng ứng các hoạt động tại khu phố. "Tôi xem cô Linh như ân nhân của mình. Đến giờ, cô vẫn hay đến nhà, bảo ban như người mẹ. Mỗi khi có dịp lễ lạt, cô còn tặng quà..." - chị N. chia sẻ.
Không ít phụ nữ khó khăn nhờ Hội LHPN phường Cầu Ông Lãnh hỗ trợ thoát nghèo coi chủ tịch hội Tô Thị Mỹ Linh là ân nhân như chị N. Câu chuyện cách đây tròn 10 năm của bà Võ Thị Tuyết Mai là minh chứng. Khi đó, bà Mai là cán bộ năng nổ trong hội phụ nữ. Nhưng rồi sóng gió gia đình ập tới, suýt quật ngã người mẹ, người vợ đảm việc nhà.
"Tôi nhớ mãi một ngày đến nhà Mai bàn việc hội. Ngồi nói chuyện mà điện thoại của cô ấy reo dồn dập. Nước mắt Mai chảy dài. Tôi gặng hỏi mới biết chồng Mai đi theo nhân tình. Mai gánh một khoản nợ lớn thay chồng. Lập tức, tôi tư vấn Mai làm hồ sơ vay ngân hàng. Có vốn, Mai mua phương tiện bán sữa đậu nành. Dần dần, nợ bớt đi. Thấy một công ty cần tạp vụ, tôi giới thiệu Mai vào làm. Mừng hơn cả là sau này, cô ấy giúp thêm nhiều chị em đồng cảnh ngộ vào đó làm việc" - bà Linh nhớ lại.
Bà Tô Thị Mỹ Linh trong một lần trao quà cho người già neo đơn
và cùng trẻ em nghèo hiếu học được tặng xe đạp
"Bà tiên" của trẻ cơ nhỡ
Hành trình giúp người yếu thế ở Hội LHPN phường Cầu Ông Lãnh do bà Tô Thị Mỹ Linh làm "chủ xị" không dừng lại ở phụ nữ yếu thế. Hành trình ấy lan tỏa hơn khi hội LHPN phường bảo lãnh, hỗ trợ nhiều cháu bé cơ nhỡ, bơ vơ.
Bà Linh nhớ như in ngày 22-6-2016, mẹ cháu Phan Thị Kim Yến thi hành án tù. Khi ấy, cháu Yến mới 36 tháng tuổi. Nghe chuyện, bà đến tận nơi ghi nhận tình hình. Bà Linh kể: "Hoàn cảnh bé Yến quá éo le. Cháu không có cha, ông ngoại bị liệt nằm một chỗ, bà ngoại lấy chồng khác, cậu ruột chưa đủ tuổi thành niên, mẹ đi tù. Tôi cứ trăn trở mãi không biết giúp sao cho cháu có cuộc sống tốt nhất. Liên hệ khắp nơi nhưng không nơi nào tiếp nhận. Rồi tôi tìm đến một trung tâm bảo trợ xã hội, nghĩ rằng nếu nơi này không nhận thì mình sẽ đưa cháu về nuôi. Sau khi nghe tôi trình bày, viết đơn bảo lãnh, trung tâm đồng ý tiếp nhận. Hiện cháu Yến đã tròn 4 tuổi, sống khỏe mạnh ở đây".
Bà Tô Thị Mỹ Linh còn đứng ra bảo lãnh nhiều con em trong phường không có giấy khai sinh đi học chữ miễn phí ở các tổ chức, trung tâm xã hội hoặc bảo lãnh nhiều cháu làm lại giấy khai sinh.
Đóng góp rất nhiều cho cộng đồng nhưng người cán bộ hội "vác tù và" này vẫn luôn băn khoăn, chưa hài lòng về những kết quả mình và tập thể cố gắng suốt 33 năm. Như trường hợp một cháu bé được Hội LHPN phường gửi vào mái ấm. Trước đó, cha mẹ ly hôn, cháu ở với mẹ. Do người mẹ không đủ điều kiện chăm sóc, bà Linh bảo lãnh gửi cháu vào mái ấm. Mỗi tuần, gia đình đón cháu về nhà chơi một ngày. Những tưởng sứ mệnh cán bộ phụ nữ kết thúc ở đây. Song mới đây, gia đình bỗng nhiên dẫn cháu bé đi trốn nợ, bặt vô âm tín. Đây không phải trường hợp hy hữu. Cũng có những gia đình viện lý do không có phương tiện đi lại nên cho con nghỉ học, mặc dù bà Linh đã xin tài trợ mọi khoản chi phí.
Nhắc đến những sự cố ấy, bà Tô Thị Mỹ Linh chỉ thở dài: "Tôi và hội cố gắng hết sức nhưng kết quả như thế nên bứt rứt trong lòng lắm. Gắn bó với công tác phụ nữ từ năm 16 tuổi, tôi chưa thôi nghĩ cách giúp chị em tin tưởng tìm đến đoàn thể, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Hay phương pháp tuyên truyền sao cho thấm để những trường hợp thất học vô lý không xảy ra. Không biết tôi có kịp thực hiện hay truyền đạt đến thế hệ cán bộ kế cận không?".
Tích cực hoạt động xã hội
Ngoài tích cực trong công tác hội, bà Tô Thị Mỹ Linh còn lập quán cơm xã hội tại phường Cầu Ông Lãnh; đang cưu mang 40 trẻ em cơ nhỡ, 60 cụ già neo đơn. Từ năm 2016 đến nay, bà Linh tổ chức mô hình "Nhóm dịch vụ gia đình", từ đó giới thiệu việc làm cho 85 phụ nữ với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu năm 2018 đến nay, bà Linh giải quyết 7 trường hợp trẻ có cha hoặc mẹ là phạm nhân, không có giấy khai sinh đi học miễn phí...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-10
Kỳ tới: Cho đi không nghĩ đến nhận về
Bình luận (0)