Hiện nay, mặc dù đã dần mở rộng nguồn cung cấp xăng dầu, trong đó sản xuất xăng dầu của doanh nghiệp trong nước cũng đáp ứng được phần lớn nhu cầu nhưng vẫn còn rủi ro tiềm ẩn. Ngoài ra, vẫn chỉ có mấy chục đầu mối xăng dầu cạnh tranh nhau, mà phần lớn là doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến tình trạng độc quyền, độc quyền nhóm còn tồn tại. Thị phần loanh quanh rơi vào tay mấy "đại gia" như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội... Khi còn độc quyền, chưa thả cho tư nhân, nước ngoài tham gia thị trường thì quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ. Trong bối cảnh đó, nếu vấp thêm phải làn sóng giá xăng dầu thế giới bất ổn, người dân và cả nền kinh tế Việt Nam sẽ lao đao.
Đó là những lý do khiến nhà nước vẫn xem xăng dầu là mặt hàng cần bình ổn giá, quản lý chặt chẽ để bảo đảm an ninh năng lượng cũng như an ninh kinh tế của quốc gia. Mặt hàng này vẫn cần bàn tay nhà nước điều chỉnh tăng, giảm dựa trên các công cụ kỹ thuật, chẳng hạn như quỹ bình ổn giá. Việc duy trì quỹ vẫn đem lại ý nghĩa nhất định về mặt điều tiết giá xăng, tránh được những đợt tăng giá sốc.
Tuy nhiên, về lâu về dài, cần nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh tiến độ triển khai nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, cũng là cách đưa thị trường xăng dầu vào thế cạnh tranh thực sự. Khi đó, quỹ bình ổn giá có thể bỏ. Sẽ có người đặt câu hỏi nếu công cụ này bị xóa bỏ, trong những tình huống tăng, giảm giá xăng với biên độ quá lớn, làm cách nào có thể điều hành giá nhịp nhàng, giảm ảnh hưởng đến người dân, tránh tác động xấu đến nền kinh tế vĩ mô? Thật ra, không phải không có cách. Kiểm soát lạm phát không chỉ dựa vào công cụ kiểm soát giá mà còn nhiều công cụ khác như điều hành chính sách tiền tệ, điều chỉnh thuế, phí... Quan trọng là nhà nước thay đổi từ tư duy định hướng, tư duy quản lý thì hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tôi vẫn muốn nhấn mạnh sẽ không thể bỏ ngay quỹ bình ổn giá xăng dầu bởi nếu làm đột ngột, thay vì chúng ta có được lĩnh vực thị trường đúng nghĩa thì có thể khiến người tiêu dùng "sốc". Thói quen được xoa dịu những làn sóng biến động giá mạnh mẽ của người tiêu dùng cần được điều chỉnh dần dần. Có thể giảm bớt mức tích lũy quỹ, đồng nghĩa với việc giảm dần điều tiết, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn điều tiết giá bằng một nguồn quỹ "nộp trước dùng sau".
Xóa bỏ quỹ bình ổn giá cần phải làm nhưng thận trọng để tránh những cú sốc không cần thiết. Điều quan trọng nhất mà người dân đòi hỏi không phải là một công cụ "hãm tăng giá" mà là cơ chế công khai, minh bạch trong việc hình thành quản lý và sử dụng quỹ này cũng như công tác điều hành giá xăng dầu nói chung.
Bình luận (0)