Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 10-6, trung tướng Nguyễn Hải Trung, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhấn mạnh tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, dự thảo luật điều chỉnh giảm tỉ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng, mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết.
"Điều này giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng có độ phân tán hơn, lành mạnh hơn, tránh quyền lực, quyền tự quyết quá lớn, tập trung vào một ông bà chủ nào đó, từ đó hạn chế các hành vi điều hành hoạt động của tổ chức theo hướng phục vụ cho các công ty sân sau và lợi ích của các cổ đông lớn, ngược lại làm tổn hại đến lợi ích của ngân hàng nói chung và các cổ đông còn lại nói riêng" - đại biểu Nguyễn Hải Trung nêu rõ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trung, một thực tế không thể phủ nhận là vẫn có thể tồn tại các cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh Hội đồng quản trị và Ban điều hành nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động của ngân hàng. Cho nên, các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.
Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung 2 vấn đề. Thứ nhất, bổ sung thêm các quy định tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.
Về vấn đề sở hữu chéo, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết dự thảo luật quy định giảm giới hạn về sở hữu của cổ đông, sở hữu của cổ đông và người có liên quan nhằm mục đích hướng đến là hạn chế việc thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. "Đây là yêu cầu của các cấp có thẩm quyền từ Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội"- bà Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Đối với ý kiến của đại biểu băn khoăn là quy định như thế này thì đã khắc phục triệt để được hay chưa, Thống đốc cho rằng quy định chỉ là một phần, việc thực hiện các quy định đó, tổ chức thực thi cũng là yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề sở hữu chéo.
Trong thực tiễn, theo Thống đốc NHNN, có thể các cổ đông nhờ những người có liên quan đứng tên mà đối với ngân hàng cũng không thể nắm được. Do đó, quy định này chỉ là một trong những cách để hạn chế. "Còn muốn giải quyết được triệt để việc này thì đòi hỏi cũng rất nhiều các công cụ, giải pháp từ nhiều cơ quan khác nhau, chẳng hạn như cần minh bạch hóa cơ sở dữ liệu, các giao dịch của dân cư hay là cơ sở dữ liệu, các giao dịch về vốn, các giao dịch của các doanh nghiệp" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!