Đó là một trong những nội dung được ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết tại buổi trao đổi thông tin định kỳ với đại diện các cơ quan truyền thông sáng nay (10-1).
Theo Sở GTVT, tại TP HCM hiện có hơn 8 triệu ôtô, xe máy; mỗi ngày trung bình trên 1.000 xe đăng ký mới. Vấn nạn ùn tắc giao thông vẫn đặc biệt nhức nhối bởi lượng xe dự báo tiếp tục gia tăng, trong khi hạ tầng không theo kịp, dù hiện nay hàng loạt giải pháp đang được triển khai.
Năm 2019, tại TP có 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, hiện nay 15 điểm đã có chuyển biến tốt, 7 điểm có chuyển biến nhưng tình hình còn phức tạp, và 6 điểm không chuyển biến. Sở GTVT cho biết đang lấy ý kiến từ các bên liên quan về việc công bố xóa 6 điểm chuyển biến tốt, đồng thời bổ sung các điểm phát sinh mới để xây dựng kế hoạch xử lý trong năm 2020.
Cảnh kẹt xe thường xuyên trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn qua ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh)
Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp bao quát và căn cơ là phát triển hệ thống giao thông công cộng, đồng thời hạn chế xe cá nhân.
Theo ông Trần Quang Lâm, năm 2019, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng tại TP tăng, nhưng với riêng hệ thống xe buýt - loại hình chủ lực - lại tiếp tục giảm so với cùng kỳ.
Sở GTVT đã xây dựng Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. UBND TP cũng đã cơ bản thống nhất dự thảo của đề án này và Sở GTVT đang phối hợp nghiên cứu, bổ sung để hoàn chỉnh trước khi trình HĐND TP tại kỳ họp thường niên giữa năm 2020.
Vận tải hàng hóa đường bộ tại TP HCM được định hướng sẽ không còn hoạt động vào ban ngày mà chuyển vào ban đêm nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn
Nhiều giải pháp lớn khác cũng đang được định hướng thực hiện nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ xảy ra tai nạn. Một trong số đó là TP sẽ chuyển dần hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ về ban đêm, cùng việc hạn chế xe khách vào khu nội đô.
Tất cả những vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định sẽ được nghiên cứu, lập kế hoạch với lộ trình thực hiện và các giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Bắt đầu hạn chế xe tải trên phần đường hỗn hợp để kiềm chế tai nạn
Theo Sở GTVT, từ ngày 18-1, tất cả các loại xe tải có khối lượng trên 2,5 tấn sẽ bị hạn chế lưu thông trên phần đường hỗn hợp Quốc lộ 1, đoạn từ nút giao xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức) đến vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân, TP HCM) giờ cao điểm. Khung giờ cấm áp dụng từ 6 giờ đến 8 giờ, 11 giờ đến 13 giờ và 17 giờ đến 19 giờ mỗi ngày. Việc này nhằm kiềm chế tai nạn giữa xe máy và xe tải.
Sở GTVT giao đơn vị trực thuộc là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ phối hợp các bên liên quan tổ chức thực hiện. Đồng thời, lắp đặt các biển báo, treo băng rôn thông báo thời gian áp dụng và theo dõi, đề xuất điều chỉnh những vấn đề bất cập.
Sở GTVT cũng đề nghị UBND các quận, huyện có tuyến Quốc lộ 1 đi qua thông tin cho người dân về việc điều chỉnh; các lực lượng tăng cường điều tiết giao thông trong thời gian đầu áp dụng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Bình luận (0)