Trong kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã dành cả ngày 5-12 để chất vấn và trả lời chất vấn về 3 nhóm vấn đề nóng được cử tri và dư luận quan tâm.
Giá nước sạch ổn định từ năm 2013
Đề cập đến việc xử lý tình trạng ô nhiễm các dòng sông, trong đó có sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ xử lý. Theo đó, có nhiều đề xuất Hà Nội nên xây dựng hệ thống cống hộp 2 đáy, trong đó một đáy thu gom nước thải, một đáy thu gom nước mưa.
Tuy nhiên, theo ông Chung, TP đang xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Khi đó, một phần nước thải trên địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông… đang thải ra sông Tô Lịch sẽ được thu gom về nhà máy này xử lý. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang tích cực hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu, xem có cách nào xử lý tạm thời tình trạng ô nhiễm trên tinh thần tiết kiệm.
Đề cập vấn đề nước sạch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết đã yêu cầu ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính, nghiêm túc rút kinh nghiệm về phát biểu sai, khiến dư luận hiểu lầm về giá nước sạch.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu giải trình tại phiên họp ngày 5-12
Trước đó, ông Hà thông tin tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỉ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước (20%, khoảng 2.003 đồng/m3).
Ông Chung cho biết thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch và đã có 23 doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án: Nhà máy Nước sạch Bắc Vân Trì, Nhà máy Nước sạch Ba Vì, Nhà máy Nước mặt Sông Hồng, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống… Ông Chung khẳng định giá nước sạch đang áp dụng trên địa bàn TP có từ năm 2013 đến nay và không thay đổi. Giá nước thỏa thuận cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống là 10.246 đồng/m3 và Nhà máy Nước mặt Sông Hồng là 10.365 đồng/m3 là để các doanh nghiệp lập dự án.
Hỗ trợ di dời cơ sở gây ô nhiễm khỏi nội đô
Về việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp quy hoạch, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết đã xử lý triệt để 25 cơ sở vi phạm; di dời 67 cơ sở ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận.
Lý giải về việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô chậm so với kế hoạch, ông Đông cho rằng do tâm lý các cơ sở ngại di dời vì người lao động ngại đi xa. Năng lực tài chính của các đơn vị để bảo đảm sản xuất, xây dựng mới còn khó khăn. Trong khi đó, nhà nước chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ đơn vị di dời.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường TP sẽ cùng các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Qua đó, đề nghị TP bố trí kinh phí xây dựng khu, cụm công nghiệp; đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm ban hành chính sách hỗ trợ đơn vị phải di dời.
Yêu cầu kiểm điểm vụ truy sát ở Đan Phượng
Trả lời chất vấn liên quan các báo cáo của Ban Pháp chế của HĐND có đặt vấn đề công tác phòng ngừa xã hội thuộc trách nhiệm công an cơ sở các cấp. Thời gian qua, các vụ giết người hoặc tội phạm nghiêm trọng đều xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ nhân dân, kể cả mâu thuẫn tranh chấp đất đai… Giải trình, Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương cho rằng trước hết cần nhận thức đúng thế nào là phòng ngừa xã hội và thế nào là phòng ngừa nghiệp vụ.
Các đối tượng có tiền án tiền sự mà công an đang quản lý theo dõi được xếp vào diện phòng ngừa nghiệp vụ. Còn các mâu thuẫn trong xã hội có thể do bột phát là phòng ngừa xã hội. "Vụ anh truy sát cả nhà em trai ở huyện Đan Phượng là điển hình về chuyện phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an, nhất là công an cơ sở. Công an TP đã yêu cầu công an huyện, đội cảnh sát hình sự và cán bộ công an xã kiểm điểm" - ông Khương thông tin.
Sẽ nhập thịt heo từ Thái Lan hoặc Mỹ
Ngày 5-12, kỳ họp thứ 14, HĐND TP Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Một số đại biểu chất vấn hiện nay giá heo hơi tăng đột biến nên giá các sản phẩm từ thịt heo sẽ tăng trong dịp Tết nguyên đán 2020. Vì vậy, ngành công thương có biện pháp gì để bình ổn thị trường?
Trả lời, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết giá heo hơi hiện tăng mạnh so với 2 tháng trước, khoảng 70.000 đồng/kg, các loại thịt heo từ khoảng 100.000 đồng/kg trở lên.
"Do bệnh dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng đến 50% đàn heo của địa phương buộc phải tiêu hủy, mấy tháng nay lại không tăng đàn nên cung ít hơn cầu. Để bình ổn thị trường, không gây đột biến, Sở Công Thương đã có đề nghị với Bộ Công Thương, Chính phủ điều chỉnh ở tầm vĩ mô là nhập thịt heo. Có thể nhập heo hơi từ Thái Lan và nhập thịt heo đông lạnh từ Mỹ" - ông Toại thông tin.
C.Linh
Bình luận (0)