Liên quan đến đường dây "chạy" chứng chỉ hành nghề y, giải trình của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) hé lộ một mắt xích quan trọng, xuất phát từ một phòng khám xin "học nâng cao trình độ chuyên môn" cho 7 bác sĩ. Điều bất ngờ nữa là người đúng đầu phòng khám lúc đó là ông Bùi Bình Trung, hiện là Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
Trong khi đó, theo kết luận của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thì 4 bác sĩ "chạy" chứng chỉ hành nghề y thông qua một người phụ nữ tên Lê Thị Ánh Hồng – người vốn là vợ của ông Trung.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc liên quan như thế nào về đường dây "chạy" chứng chỉ hành nghề y, ông Trung nói: "Việc này vợ mình làm, vợ mình phụ trách hết. Phòng khám của mình cũng đóng cửa lâu lắm rồi. Mình cũng ly dị vợ mình 2 năm nay rồi. Trước ly thân thì cô ấy đi đâu, nay Hà Nội mai Sài Gòn mình không nắm được".
Khi phóng viên thắc mắc là theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thì ông Trung là người đóng tiền và ký hợp đồng với bệnh viện cho các bác sĩ của phòng khám đi học nâng cao trình độ, ông Trung nói: "Không phải đâu. Tôi không trực tiếp đóng tiền".
Như đã phản ánh, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk có kết luận trong quá trình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc cấp chứng chỉ hành nghề y, phát hiện có 4 trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề Phẫu thuật thẩm mỹ trái quy định.
Theo đó, ông Huỳnh Văn B. (ngụ tỉnh Lâm Đồng) có tham gia thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên khoảng 1 tháng (chưa đủ thời gian). Ba trường hợp còn lại là các ông: Lê Anh T. (ngụ Thừa Thiên Huế), Hứa Chí C. ( ngụ TP HCM) và Huỳnh Thanh G. (ngụ tỉnh Đồng Tháp) chưa từng tham gia thực hành tại bệnh viện này.
Tuy nhiên, 4 trường hợp trên đều có giấy xác nhận thời gian thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Sau đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cấp chứng chỉ hành nghề y. Ngoại trừ ông T không tới làm việc, 3 trường hợp còn lại giải trình đã thông qua 1 người tên Như Ý (ở TP HCM) rồi kết nối với 1 người có tên là Lê Thị Ánh Hồng (xưng bác sĩ Da Liễu ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để làm giấy chứng chỉ hành nghề y với giá từ 220 triệu đồng đến 300 triệu đồng/trường hợp.
Sau kết luận của Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã có văn bản giải trình vụ việc cho thấy tháng 7-2018, Phòng khám Dr Trung (TP Buôn Ma Thuột) đến bệnh viện đặt vấn đề xin học nâng cao trình độ chuyên môn thời gian 12 tháng cho 7 bác sĩ. Sau khi làm thủ tục, bác sĩ Bùi Bình Trung (Hiện là Giám đốc Trung tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk) ký hợp đồng, đóng tiền học phí cho 7 bác sĩ theo quy định (có hóa đơn đỏ). Tuy nhiên, sau đó, không rõ lý do chỉ có 4 bác sĩ nói trên nộp hồ sơ với các văn bằng liên quan và thực tế bệnh viện đã ký quyết định cho 4 bác sĩ học nâng cao trình độ 12 tháng.
Bệnh viện nhận khuyết điểm về việc ký xác nhận thời gian thực hành không đúng quy định nhưng cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề không còn trách nhiệm của bệnh viện mà là trách nhiệm của các phòng chức năng thuộc Sở Y tế. Bệnh viện không có Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ.
Xin trả lại chứng chỉ hành nghề y!
Quá trình làm việc với Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, ông Huỳnh Văn B. nhận thấy do hiểu biết còn hạn chế về quy trình, quy định cấp chứng chỉ hành nghề nên ông B đã chọn dịch vụ làm chứng chỉ hành nghề trái quy định của pháp luật. Tương tự, ông Hứa Chí C. nhận thấy bản thân am hiểu còn hạn chế về các quy định của pháp luật và cho rằng mình chỉ là nạn nhân. Ông Huỳnh Thanh G. cũng nhận thấy bản thân am hiểu pháp luật còn hạn chế. Các cá nhân này cũng đã có đơn gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk xin trả lại chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
Bình luận (0)