Hiện các quận, huyện, TP Thủ Đức có 312 tổ phản ứng nhanh, gồm: bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, công an, Đoàn thanh niên. Việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.
Người già, có bệnh nền cần chăm sóc trực tiếp
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP HCM, cho biết hiện TP HCM đã triển khai các tổ phản ứng nhanh hỗ trợ các F0 trong cộng đồng. Việc làm này là cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, các đội phản ứng nhanh có nhiều thành viên tham gia như công an, dân phòng, thanh niên tình nguyện..., do đó họ thực hiện rất nhiều việc khác nhau nên sẽ có tình trạng F0 không được hỗ trợ kịp thời và thực tế cũng đã xảy ra. Bên cạnh đó, họ không có chuyên môn, nghiệp vụ, việc phòng tránh lây nhiễm cũng không tốt bằng nhân viên y tế. "Ví dụ, bệnh nhân khó thở ở nhà khi đội phản ứng nhanh đến phải khuân vác các bình ôxy hay phải khiêng bệnh nhân để hỗ trợ đưa đến bệnh viện..., như vậy là cần nhiều người chăm sóc cho một người, khiến tổ phản ứng nhanh sẽ bị phân tán lực lượng. Do đó, về lâu dài cần phải có giải pháp hữu hiệu hơn nhằm hỗ trợ tốt cho F0 tại nhà" - BS Dũng phân tích.
Theo ông Đỗ Văn Dũng, để giải pháp này thực sự hiệu quả, với những F0 có nguy cơ cao, mắc bệnh nền thì cần được đưa đến khu cách ly của địa phương tạm thời, theo dõi. Tại khu vực này có một bác sĩ, một điều dưỡng, có hệ thống ôxy... có thể theo dõi được 20 người bệnh. Có thể diễn biến bệnh mất kiểm soát nếu ở nhà như cần thở ôxy gấp. Bệnh nhân vào bệnh viện thì sẽ được chăm sóc hiệu quả hơn. Còn những bệnh nhân cách ly tại nhà, có thể 3-4 ngày không cần cấp cứu, thực tế theo thống kê có khoảng 90% sẽ khỏi.
Tiêm vắc-xin cho công nhân tại Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Áp dụng nguyên lý y học gia đình
Về mô hình điều trị từ 5 tầng còn 3 tầng nhằm giảm tỉ lệ F0 chuyển nặng, tử vong, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng sự thay đổi trong công tác điều trị là bình thường nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh. "Khi ở nhà là tuyến 1 hay còn gọi là tuyến cơ sở. Ở nơi này người ta bố trí những bác sĩ có chuyên môn vừa phải, như bác sĩ đa khoa cũng có thể xử lý được. Tầng 2 là những bác sĩ chuyên khoa. Khi không xử lý được thì sẽ chuyển lên tầng 3 - là tầng chuyên môn cao hơn. Theo từng tầng là chia theo từng mức độ nặng/nhẹ của bệnh nhân" - ông Đỗ Văn Dũng phân tích.
Về chăm sóc F0 như thế nào để giảm tỉ lệ tử vong, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên tắc khi chữa bệnh Covid-19 hay các bệnh khác như đái tháo đường, tăng huyết áp... cũng chia theo từng cấp. Những tình huống tuyến dưới làm được thì tuyến trên không phải làm để khỏi phí sức. Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc toàn diện liên tục, phối hợp và lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng. Mô hình được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích với cộng đồng dân cư bởi chi phí hợp lý, tiện lợi.
"Áp dụng theo nguyên lý y học gia đình vào Covid-19 thì cũng đơn giản. F0 trong 5 ngày đầu hầu như không có triệu chứng nặng. 80% ca bệnh nhẹ hoặc vừa: nhẹ tức là không cần thở ôxy, có triệu chứng nhưng không ảnh hưởng tới phổi; vừa là có ảnh hưởng tới phổi nhưng ảnh hưởng nhỏ và người ta vẫn thở được bằng ôxy. Nặng hơn là thở ôxy không đáp ứng, phải chuyển qua thở máy. Do đó, 80% cách ly ở nhà thì sẽ giảm sức lực cho tuyến trên" - ông Đỗ Văn Dũng phân tích.
43.730 người bệnh được chăm sóc tại nhà
Cập nhật đến ngày 17-8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà tại TP HCM là 43.730 người, trong đó có 17.274 trường hợp F0 mới và 26.456 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở tập trung của quận, huyện là 13.939 người.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), nằm trong hoạt động nỗ lực điều trị F0, những ngày qua, nhiều "túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19" đã được trao đến từng người dân mắc Covid-19 ở phường 1, quận Tân Bình. Những túi thuốc này vừa góp phần hỗ trợ sức khỏe, giúp F0 sớm khỏi bệnh vừa động viên tinh thần, giúp họ an tâm điều trị tại nhà.
Mỗi túi thuốc mà F0 nhận được gồm paracetamol 500 mg (hạ sốt), acetylcystein (tiêu đờm), multivitamin (vitamin tổng hợp), nước súc họng, nước muối 0,9% (natri clorid 0,9%), viên C sủi và khẩu trang, kèm hướng dẫn sử dụng. Đây là những loại thuốc mà Trạm Y tế phường 1, nhóm bác sĩ tình nguyện chuẩn bị dựa trên danh mục thuốc theo công văn Bộ Y tế ban hành. Bên ngoài túi thuốc có in kèm mã QR, để bệnh nhân có thể quét mã và tham gia vào nhóm bác sĩ đồng hành cùng F0 - phường 1 trên ứng dụng Zalo.
Ng.Thạnh
Bình luận (0)