Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên - Huế mùa hè nóng bức. Chúng tôi đến nhằm lúc các y - bác sĩ đang thăm khám cho các bệnh nhân ở đây. Trên khuôn mặt của từng người bệnh là sự lo lắng và ánh mắt đầy mặc cảm. Hiểu được tâm tư của họ, các y tá, bác sĩ luôn ân cần khuyên nhủ, động viên từng người về cách uống thuốc, sinh hoạt để chống lại bệnh tật.
Bệnh nặng thêm vì chủ quan
Tại khoa điều trị bệnh lao, những giường bệnh đã chật kín người điều trị nội trú. Bệnh nhân Nguyễn Oanh (64 tuổi) cho biết sau hơn một tuần điều trị, ông đã cắt được những cơn ho triền miên. Vốn là nông dân sinh sống ở mảnh đất nghèo, suốt năm quanh quẩn với ruộng đồng, cuộc sống khổ cực đã đành, nay ông còn mắc phải căn bệnh lao nên càng khó khăn hơn. "Hôm đó, tôi đi làm đồng về, người mệt rồi ho sù sụ. Cứ tưởng người mệt do làm lụng vất vả nên chỉ mua thuốc tự uống nhưng bệnh không khỏi mà ngày càng nặng thêm" - ông Oanh kể.
Sức khỏe suy kiệt, ho càng lúc càng nhiều nên ông được người con chở tới BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm khám. Tại đây, bác sĩ kết luận ông bị bệnh lao, phải điều trị nội trú thời gian dài. "Gia đình vốn đã neo người, nay tôi phải nhập viện nên công việc đồng áng chỉ còn vợ trông nom" - ông Oanh than thở.
Tại Khoa Điều trị bệnh lao của BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên - Huế, tiếng ho của các bệnh nhân cứ dồn lên từng hồi như muốn xé tim gan. Đến bây giờ, ông Nguyễn Xuân Quý (62 tuổi) cũng không hiểu mình đã lây bệnh lao từ đâu. Ngày ông khởi bệnh, tiếng ho sặc sụa kèm triệu chứng khó thở làm cho mọi người trong gia đình lo lắng.
Rồi vợ chồng ông gọi con cái đến nhờ trông nom ruộng vườn để đi khám bệnh. Ông Quý thở dài: "Khi các bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh lao thì vợ chồng tôi buồn lắm. Buồn bởi sợ lây lan cho con cháu, xã hội và bị mọi người xa lánh".
Sau gần 2 tháng chiến đấu với bệnh, ông Quý được thông báo sắp khỏe lại. "Ở bệnh viện suốt 2 tháng trời, nhớ nhà, nhớ con cháu lắm nhưng phải cố gắng điều trị để tránh lây lan cho mọi người" - ông Quý tâm sự.
Nằm cạnh bên ông Quý là bệnh nhân Vương Hùng (66 tuổi) vừa nhập viện điều trị lao khoảng 1 tuần. Do sức khỏe yếu, sụt cân nhiều, không ăn uống nên ông phải truyền nước.
Từ hôm chồng nhập viện, bà Đặng Thị Gái (vợ ông Hùng) cũng bỏ hết ruộng vườn để ở lại BV chăm nom. "Cách đây chừng 3 tháng ổng bị sốt nhẹ và ho, cứ tưởng bệnh cảm bình thường nên tôi ra nhà thuốc mua cho ổng uống. Vậy nhưng, bệnh không thuyên giảm mà nặng thêm, ổng ho ra máu, sụt cân nhanh chóng nên phải nhập viện, họ xét nghiệm chẩn đoán bị lao. Lúa đã vào vụ thu hoạch rồi nhưng đành phải vứt bỏ để đi điều trị" - bà Gái cho biết.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân lao ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên - Huế
Hãy đến sớm với chúng tôi!
Bác sĩ Võ Đại Tự Nhiên, Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết bệnh lao đã được nghiên cứu, tìm ra từ năm 1882. Đây là một bệnh truyền nhiễm, không phải là bệnh di truyền hay bệnh do lao tâm, lao lực mà có. Tuy nhiên, nhiều người do ít am hiểu và chủ quan nên chậm đi thăm khám khi có biểu hiện bệnh dẫn đến lây lan cho người thân và xã hội.
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc lao cao, nhất là những trẻ tiếp xúc gần gũi với nguồn lây lao. Đa số trẻ em mắc bệnh lao ở phổi (70%-80%), trong đó chủ yếu là lao sơ nhiễm, lao ngoài phổi chỉ chiếm 20%-30%.
Theo bác sĩ Nhiên, bệnh lao ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đang ở mức trung bình cao so với toàn quốc. Thời gian qua, bình quân mỗi năm phát hiện và điều trị cho hơn 1.200 bệnh nhân lao mọi thể. Trong đó, có 650 - 700 trường hợp lao phổi, 20 - 25 trường hợp lao kháng đa thuốc. Số bệnh nhân được phát hiện, điều trị khỏi đạt trên 93%.
Tuy nhiên, bác sĩ Nhiên nhận định trong bối cảnh chung của Việt Nam, ở Thừa Thiên - Huế vẫn còn nhiều người mắc bệnh lao chưa được phát hiện và quản lý điều trị. Bên cạnh đó, đa số bệnh nhân lao là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, sự hiểu biết về bệnh còn hạn chế; người bệnh mặc cảm, xã hội kỳ thị nên người mắc lao thường giấu bệnh, ý thức phòng chống lây lan ra cộng đồng chưa tốt; bệnh nhân bỏ điều trị, điều trị không đúng, không đủ, không tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Chính những điều này đã gây khó khăn cho công tác điều trị và phòng chống bệnh lao.
"Những bệnh nhân lao phải điều trị nội trú dài ngày nên nhiều người vì hoàn cảnh và không kiên trì nên bỏ về. Vì vậy, việc điều trị lao nhiều khi không hiệu quả, gây lây lan cho người thân trong gia đình cũng như xã hội. Không ai đáng chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em. Hãy đến với chúng tôi để được điều trị khỏi bệnh" - bác sĩ Nhiên kêu gọi.
Điều trị cũng là phòng bệnh
Theo bác sĩ Võ Đại Tự Nhiên, khác với một số bệnh truyền nhiễm khác, tính xã hội của bệnh lao rất rõ nét. Bệnh tồn tại ở khắp mọi nơi trên thế giới, bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời gian nào với các mức độ lưu hành rất khác nhau. Con người ở bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào, tầng lớp xã hội, nghề nghiệp nào đều có thể nhiễm và mắc bệnh lao. Vi trùng lao có thể gây bệnh tại bất cứ cơ quan nào của cơ thể con người: phổi, ngoài phổi, xương - khớp,... Bệnh lao có thể biểu hiện, cấp tính hoặc mạn tính. Khả năng lây truyền từ người sang người có thể rất mạnh (các thể lao phổi, chiếm 80%-85%) hoặc không lây truyền (các thể lao ngoài phổi).
Bệnh nhân lao phổi khi ho, hắt hơi bắn ra các hạt rất nhỏ lơ lửng trong không khí, phân tán ra xung quanh người bệnh, người lành hít phải các hạt này có thể nhiễm bệnh. Một người bị bệnh lao phổi nếu không điều trị có thể lây truyền cho 10-15 người xung quanh trong một năm. "Vì vậy, một nguyên tắc trong điều trị bệnh lao là điều trị cũng là phòng bệnh. Nghĩa là điều trị bệnh lao cho người này đồng thời cũng là phòng bệnh cho nhiều người khác" - bác sĩ Nhiên phân tích.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-6
Kỳ tới: Vật vã chống kháng thuốc
Bình luận (0)