Chỉ qua một đợt kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận phát hiện hàng loạt chiếc cân của các tiểu thương ở Khu Du lịch Mũi Né gian lận từ 1,3 - 1,7 kg so với cân chuẩn 1 kg.
Vụ việc được quan tâm khi trước đó một du khách mua 4 kg mực ở đây, về cân lại chỉ còn 2,2 kg. Gian lận đến thế thì không còn gì để biện bạch. Những người bán hàng gian này đã làm vẩn đục môi trường du lịch và lấm bẩn những người buôn bán thân thiện, chân chính nơi đây.
Tên tuổi Mũi Né không phải ngẫu nhiên xuất hiện trên bản đồ du lịch Bình Thuận và cả quốc tế. Vài chục năm trước, chỉ là một làng chài ở vùng khuất lấp, nhờ cảnh đẹp yên bình, sản vật phong phú và đặc biệt là tình cảm chân thành của những ngư dân băng sóng đạp gió địa phương đã níu bước chân du khách. Chỉ chưa đến chục năm, Mũi Né đã phát triển ồ ạt và trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của cả khu vực. Nhưng dần dần mặt trái cũng xuất hiện, nhiều kẻ cơ hội vì lợi nhuận đã bất chấp tiếng tăm gầy dựng bao năm. Bờ Kè, nơi bán hải sản ngon, rẻ của ngư dân nay đã dựng nhà hàng, bán với giá gấp đôi nơi khác. Nhiều khu khách sạn chiếm luôn bãi biển làm của riêng...
Nạn gian lận, "chặt chém" ở Mũi Né thực tế đã diễn ra từ lâu. Du khách bởi cảm mến vùng đất đẹp đẽ này mà chấp nhận. Vả lại, thời gian du lịch hạn hẹp, không vì bị lừa vài trăm ngàn, vài triệu đồng mà phải cực nhọc tới lui cơ quan chức năng, làm mất vui cả chuyến đi và thực ra cũng chẳng giải quyết được gì. Họ chỉ phản ánh trên các trang cá nhân và cảnh báo với nhau để dần né xa... Mũi Né!
Câu chuyện ở Mũi Né cũng đã từng diễn ra ở một số điểm du lịch khác như Vũng Tàu, Nha Trang, Hải Phòng... Có chút tiếng tăm thì chẳng mấy chốc sẽ có kẻ làm hư hỏng, trục lợi du khách. Chính quyền địa phương không xử lý thỏa đáng thì du khách sẽ tự tẩy chay.
Du lịch - ngành công nghiệp "không khói" và là nguồn thu rất lớn của nhiều tỉnh, thành trong lúc phát triển các ngành khác khó khăn và phải đầu tư lớn. Và đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn thì việc mời gọi du khách, chấn chỉnh lại ngành du lịch, nuôi dưỡng nguồn thu từ ngành này lại càng quan trọng. Những kiểu lừa đảo như trên càng làm tình hình thêm trầm trọng và xóa bỏ nỗ lực của bao người làm du lịch chuyên nghiệp.
Tạo được danh tiếng rất khó nhưng giữ được nó càng khó hơn. Trong vụ việc trên dư luận rất khó hiểu cách xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận: Phát hiện gian lận và thu mấy chiếc cân rồi xong. Sau gần một tuần sự việc mới được báo cáo lên UBND tỉnh và đến nay chưa có phản hồi từ cơ quan công lực. Vụ việc này đâu khó đến vậy, và quy định xử lý cũng được quy định rất cụ thể trong Nghị định 119/2017: Xử phạt hành chính và có thể xử lý hình sự.
Chiếc cân là công cụ đo lường nhưng cũng đừng quên nó cũng là biểu tượng của sự công bằng.
Bình luận (0)