TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết 2 trường hợp vừa mới được cứu sống từ nguồn tạng ghép chỉ ở vào lứa tuổi mới bước vào đời. Đó là nữ sinh viên Phạm Hoài Thương (quê Ninh Thuận) và công nhân Phạm Quốc Hùng (người Tiền Giang). Hiện cả 2 bệnh nhân ghép tim, ghép thận đã xuất viện về cuộc sống bình thường.
Tái sinh nhiều số phận chờ chết
Tháng 9-2015, khi chuẩn bị bước vào năm cuối ngành thiết kế đồ họa, các bác sĩ đã phát hiện Hoài Thương bị suy thận giai đoạn cuối, từ đó, cô vừa học vừa phải liên tục vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, chạy thận và đành lỡ hẹn với tấm bằng tốt nghiệp. Hai năm sau, bệnh trạng của cô ngày một nặng khiến cô phải nhập viện điều trị nội trú.
Lúc này, 2 quả thận của Thương không còn cách nào cứu vãn. Các bác sĩ thông báo chỉ còn cách ghép thận mới duy trì sự sống cho cô. "Nhiều đêm thấy con kêu khóc thảm thiết vì đau đớn, lòng tôi như bị xé nát nhưng đành bất lực bởi không biết lấy đâu ra tiền cũng như có thận phù hợp để cứu con" - bà L., mẹ của Thương, nhớ lại.
Những tấm lòng cao cả của những người xa lạ đã cứu giúp nhiều số phận không may. Trong ảnh: Một bệnh nhân vừa được cứu sống sau ca ghép thận tại Bệnh viện 115
Vào những ngày đầu năm mới, gia đình Thương nhận được tin vui từ Bệnh viện Chợ Rẫy báo có nguồn tạng phù hợp và đúng thời điểm lấy ghép. Đêm 26-2, sau cú di chuyển thần tốc gần 1.700 km vào Nam, 2 quả thận - món quà vô giá của người cho từ Hà Nội - được đưa thẳng vào phòng phẫu thuật để ráp nối vào cơ thể Thương. Từ khoảnh khắc này, sự sống của cô được níu lại, cuộc đời như tái sinh, quả thận mới ghép vào đã hoạt động theo chức năng của nó. Chiều 19-3, sau phẫu thuật vài tuần, Thương đã có thể ngồi dậy. Cô sinh viên nước mắt lưng tròng hạnh phúc tâm sự sau khi khỏe lại sẽ tiếp tục việc học dở dang để hoàn thành tấm bằng cô mơ ước.
Còn anh Phạm Quốc Hùng, người vừa được ghép tim, cuộc đời có phần éo le hơn vì anh là người từ chối nhiều lần ghép tim do không lo nổi hàng trăm triệu đồng chi phí. Cách đây 5 năm, Hùng được phát hiện bị bệnh cơ tim giãn nở khi đang là trụ cột kinh tế gia đình. Bệnh trạng anh khá nặng, nguy cơ tử vong cao; nếu chỉ định ghép tim không thực hiện ngay, sự sống của Hùng cũng chỉ có thể cầm cự chừng 1-2 năm.
"Trước hoàn cảnh này, ban lãnh đạo bệnh viện luôn động viên anh và bỏ qua các thủ tục ban đầu vì cơ hội quả tim được lấy ra phải ghép ngay" - TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, kể lại. Sau đêm 26-2, quả tim mới đã đập rộn ràng trong lồng ngực người công nhân nghèo. Hiện mọi chỉ số, sinh hiệu đã hoạt động trở lại.
San sẻ sự sống
Hai trường hợp kể trên chỉ là số ít nhận được món quà tái sinh từ người cho chết não. Rất nhiều trường hợp khác được nhận món quà vô giá của những người khỏe mạnh đã âm thầm chia sớt một phần thân thể mình để níu giữ sự sống cho những người không may.
Chị Nguyễn Thị Phượng (43 tuổi, ngụ TP HCM) là một trường hợp thể hiện nét đẹp thanh cao của tình nghĩa vợ chồng. Chồng chị, anh H.T.K (42 tuổi), đang khỏe mạnh, là trụ cột chính gia đình, bỗng nhiên bị suy thận, chỉ còn cách ghép thận mới hy vọng kéo dài sự sống. Chị Phượng quyết định chia sớt một phần thân thể để cứu chồng nên đã đề nghị bác sĩ xét nghiệm thận của mình. Thật bất ngờ, chỉ số xét nghiệm phù hợp đến 90%, đủ điều kiện cấy ghép cho chồng. Đến nay, sau 5 năm ghép thận, cuộc sống của vợ chồng anh K. vẫn hạnh phúc.
Đó là trường hợp cô giáo Hà Thị Tuyết (51 tuổi, ngụ Long An), sau cuộc đại phẫu, từ một cơ thể xanh xao, suy kiệt thì nay cô như trở thành người khác với sức sống tràn đầy. Bị suy thận giai đoạn cuối nhưng nhờ một quả thận hiến tặng của một thanh niên cao cả, cô Tuyết tiếp tục là điểm tựa cho hai con trai, một đang học đại học, một học lớp 10.
BS CK2 Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa Thận - Nội Bệnh viện Nhân dân 115, cho hay một nữ bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tưởng chừng không còn hy vọng được làm mẹ. Nhưng nhờ tấm lòng của người khác, sau khi được ghép thận, chị đã sinh con trong niềm vui đầy hạnh phúc của gia đình. Nhiều người dù không phải ruột rà máu mủ nhưng chấp nhận hiến một phần thân thể của mình để cứu người, rất nhiều trường hợp con dâu san sẻ cho mẹ chồng, tín đồ "cứu" linh mục... "Phải xem họ là những anh hùng vì ít ai có hành động đầy nghĩa tình với người khác như thế" - BS Dung chia sẻ.
PGS-TS-BS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong danh sách chờ ghép thận của bệnh viện còn hơn 70 bệnh nhân. Bệnh viện đã thực hiện hơn 600 ca ghép thận, trong số này chỉ 33 trường hợp được nhận từ người cho chết não. "Nhiều người bệnh đã qua đời trong thời gian chờ thận hiến. Hy vọng cộng đồng cùng chung tay cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nữa" - BS Sâm nhắn gửi.
Nước mắt hạnh phúc của Alfred Riedl và nghệ sĩ Minh Vương
Tại một chương trình tri ân người hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nghệ sĩ Minh Vương rưng rưng: "Từ khi ghép thận, tôi sống cuộc đời mới". Năm 2012, nghệ sĩ Minh Vương nằm liệt giường do sức khỏe quá kém vì suy thận. Gia đình một thanh niên bị tai nạn giao thông đã chết não đã hiến tạng cứu ông. Ca ghép thành công và sức khỏe của "ông vua" cải lương ổn định, trở lại với công chúng.
Một hành động nhân văn khác là trường hợp một người hâm mộ đội tuyển bóng đá Việt Nam đã hiến một quả thận cho HLV Alfred Riedl vào năm 2007. Ông Riedl bị suy thận mạn tính từ hơn hàng chục năm trước khi ông tới Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 1998 tới 2006, căn bệnh suy thận của nhà cầm quân người Áo chỉ được theo dõi điều trị theo dạng triệu chứng tạm thời. Đến cuối năm 2006, bệnh tình ông đã nghiêm trọng đến mức chỉ còn cách là ghép thận. Sau nhiều năm, gặp lại ân nhân cứu mình tại Indonesia, HLV này không kìm được nước mắt trước nghĩa cử của một người khác quốc tịch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-4
Kỳ tới: Hậu trường hiến tạng xuyên Việt
Bình luận (0)