Dự án Trường Tiểu học Hưng Phúc (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) có tổng mức đầu tư hơn 46,6 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Viễn Đông INVEST làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT). Dự án ban đầu được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo quyết định 613 QĐ-UBND-ĐTXD ngày 20-02-2014. Trong đó, chi phí xây dựng trường học quy mô 15 lớp là 25 tỉ đồng, còn lại là các chi phí khác như hạ tầng kỹ thuật đô thị, tư vấn đầu tư xây dựng... Đến ngày 19-01-2017, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt, điều chỉnh bổ sung. Theo đó, tổng mức đầu tư nâng lên gần 51,4 tỉ đồng.
Thất thoát hàng trăm tỉ đồng?
Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Công ty Viễn Đông INVEST 10.112,1 m2 đất (6.545,4 m2 đất xây dựng khu nhà ở, 3.566,7 m2 diện tích đất giao thông) tại phường Hưng Phúc, TP Vinh. Đến ngày 15-12-2017, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 793/QĐ- UBND về việc phê duyệt mức giá đất thực hiện khu nhà ở Yên Bình, phường Hưng Phúc, với mức giá là 5.661.000 đồng/m2.
Khu đất tỉnh Nghệ An giao Công ty Viễn Đông INVEST giữa trung TP Vinh nhưng giá đất chỉ tính hơn5,6 triệu đồng/m2
Sau khi được giao 6.545,4 m2 đất xây dựng nhà ở, Công ty Viễn Đông INVEST dự kiến xây dựng 48 căn biệt thự liền kề và có giá rao bán cao gấp nhiều lần so với mức mà UBND tỉnh Nghệ An định giá khi giao cho doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá đất khu dân cư sát dự án này đều có giá trên 20 triệu đồng/m2. Khi nghe thông tin đất dự án được giao cho Công ty Viễn Đông INVEST với giá hơn 5,6 triệu đồng/m2, thấp so với giá thực tế khoảng 4 lần, nhiều người dân bày tỏ bất bình. Ông Bùi Thanh Long, ngụ khối Yên Bình, phường Hưng Phúc, bức xúc: "Đất ở đây bình quân có giá giao dịch khoảng 20 triệu đồng/m2 nhưng nơi vị trí đẹp còn có giá cao hơn. Tỉnh giao cho doanh nghiệp giá chỉ 5,6 triệu đồng/m2 là quá thấp".
Được biết với mức giá hơn 5,6 triệu đồng/m2, tính ra 6.545,4 m2 đất xây dựng khu nhà ở giao cho doanh nghiệp, tỉnh thu được hơn 36 tỉ đồng. Trong lúc đó, theo một cán bộ làm việc tại Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng TP Vinh, nếu 6.545,4 m2 đất trên giao cho TP tổ chức bán đấu giá thì phải thu được hàng trăm tỉ đồng.
Làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoài An, Chủ tịch UBND TP Vinh, cho biết đây là dự án thực hiện theo hình thức BT, thời gian tới, thành phố sẽ cho các bộ phận liên quan kiểm tra, rà soát lại.
Kiểm tra quá trình định giá đất
Trước dư luận cho rằng việc định giá lô đất 6.545,4 m2 quá thấp, gây thất thoát, ngày 28-4, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 2779-UBND.NN về việc kiểm tra giá khu đất Công ty Cổ phần Viễn Đông INVEST xin giao tại phường Hưng Phúc, TP Vinh. Công văn ghi rõ: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp Sở Tài chính, Cục Thuế Nghệ An, các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra xem xét lại mức giá khu đất, nếu chưa phù hợp thì tham mưu Hội đồng Định giá đất của tỉnh, UBND dân tỉnh hủy bỏ quyết định phê duyệt mức giá nêu trên đồng thời tham mưu Hội đồng Định giá đất, UBND tỉnh mức giá sát với thị trường tại thời điểm đó, tránh thất thu ngân sách. Báo cáo kết quả kiểm tra xử lý về UBND tỉnh trước ngày 6-5-2018.
Ngày 7-5, một ngày sau thời hạn trên, trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, cho biết đang giao cho các bộ phận liên quan kiểm tra lại, chưa thể có báo chính thức. Cùng ngày, ông Phan Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, thừa nhận do phải chờ các đơn vị liên quan báo cáo nên sở cũng chưa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Nghệ An. Ông Toàn cho biết đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc chậm trễ trên và sẽ có báo cáo ngay khi nhận được ý kiến của các ngành liên quan.
Gây khó cho đơn vị làm vườn ươm
Ông Phan Xuân Bảo, Giám đốc Cty CP Công viên cây xanh TP Vinh, cho biết để thực hiện dự án Trường Tiểu học Hưng Phúc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, tỉnh đã thu hồi khoảng 20.000 m2 đất mà công ty sử dụng mấy chục năm liền để làm vườn ươm, trồng cây, giao cho nhà đầu tư. Từ khi bị thu hồi đất, hoạt động của đơn vị (nơi làm việc của gần 100 người) rất khó khăn do chưa thể tìm được đất để làm vườn ươm mới.
Bình luận (0)