Vành đai 2 là tuyến đường giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông của TP HCM, tạo thuận tiện cho các phương tiện vận tải hàng hóa lớn từ Bắc vào Nam, từ các địa phương miền Đông về miền Tây và ngược lại. Qua đó, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, mở cơ hội giao thương.
Hơn 2,7 km đường "đắp chiếu"
Dù mang ý nghĩa như thế nhưng thực tế, việc triển khai tuyến Vành đai 2 khá ì ạch: Có đoạn chưa đầy 3 km làm 5 năm chưa xong và hơn 2 năm rơi vào tình trạng "án binh bất động".
Tháng 12-2015, UBND TP HCM tổ chức lễ động thổ đoạn thứ 3 của tuyến Vành đai 2 dài 2,75 km nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Trong giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư xây dựng là 1.135 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng do quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) thực hiện với hơn 1.400 tỉ đồng. Dự án tạm ngưng thi công từ tháng 3-2020 và đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa thể tái khởi động bởi vướng nhiều vấn đề.
Dự án đường nối Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa dừng hơn 2 năm vì vướng mặt bằng và thanh toán quỹ đất
Là một trong số hơn 100 hộ dân chưa di dời để bàn giao mặt bằng cho dự án, bà N.T.T (đường Ụ Ghe, phường Tam Phú, TP Thủ Đức) cho biết việc tái định cư đối với 8 nhân khẩu trong gia đình bà là hết sức khó khăn. Tuy vậy, với tinh thần ủng hộ chủ trương mở đường để phát triển của TP HCM, bà sẵn sàng di dời khi nhận đủ tiền bồi thường.
"Dự án tạm ngưng hơn 2 năm nay, người dân cũng sốt ruột. Dù khó khăn, gia đình tôi muốn sớm ổn định cuộc sống song chưa thể di dời vì việc bồi thường chưa xong" - bà T. lý giải.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, dự án tạm ngưng khi tổng khối lượng thi công đạt 44%. Nguyên nhân chính là do vướng mắc liên quan việc giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán hợp đồng BT.
Sở GTVT TP HCM đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, báo cáo UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Đồng thời, kiến nghị UBND TP HCM giao UBND TP Thủ Đức phối hợp với các đơn vị liên quan sớm giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái - nhà đầu tư, cho biết công ty từng tạm ứng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí thi công tuyến đường và chi phí phát sinh khác lên tới 1.500 tỉ đồng.
"Nhà đầu tư đã bỏ ra số tiền lớn và làm tròn trách nhiệm với công việc của mình nhưng chưa nhận lại gì. Đợt này thấy thành phố quyết tâm tháo gỡ vướng mắc, chúng tôi đều mong dự án sớm khởi động trở lại... Doanh nghiệp kiến nghị sớm được thanh toán để có tiền triển khai công việc" - ông Thắng bày tỏ.
Đường Vành đai 2 của TP HCM dài hơn 64 km với quy mô 6-10 làn xe, hiện đã đưa vào khai thác 50 km. Vành đai này bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, băng qua cầu Phú Mỹ đến cầu Phú Hữu, sau đó kết nối với ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội), đường Phạm Văn Đồng, nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1) để vòng về đường Nguyễn Văn Linh.
Ở đoạn thứ 3, UBND TP Thủ Đức mới bàn giao mặt bằng của 334 hộ (trong tổng số 468 hộ) với diện tích gần 16 ha - đạt hơn 75% tổng diện tích cần thu hồi. Việc chậm trễ làm phát sinh lãi vay thực hiện dự án. Giá trị lãi vay ước tính UBND TP HCM phải chịu đến nay là hơn 230 tỉ đồng (trung bình 10 tỉ đồng/tháng).
Xa lộ Hà Nội cũng vướng mặt bằng
Không chỉ đường Vành đai 2, dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 kết nối với Đồng Nai, Bình Dương ở ngõ phía Đông TP HCM (dài 15,7 km, trong đó đoạn từ nút giao Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn là 4,2 km) cũng đang dở dang. Ước muốn có tuyến đường song hành chạy từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn của người dân chưa thành hiện thực.
Dự án này mở rộng trục đường chính từ 23 m lên 34-48 m và xây mới 2 đường song hành, mỗi đường rộng trung bình 12 m. Theo Sở GTVT TP HCM, dự án đã hoàn thành 100% trục đường chính đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao ĐHQG TP HCM; nâng cấp trải nhựa toàn bộ đoạn Dĩ An. Tuy nhiên, đường song hành bên trái và bên phải chưa xong do vướng mặt bằng. Ngoài ra, nó cũng bị chồng ranh với một số dự án khác.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội (doanh nghiệp thực hiện dự án), cho biết đường song hành phải theo hướng từ cầu Sài Gòn đi cầu Đồng Nai kéo dài từ đường Trần Não, TP Thủ Đức đến đường Nguyễn Xiển (khu vực Tân Vạn) thì đoạn trên địa bàn TP Thủ Đức đạt hơn 90% khối lượng. Đường song hành trái từ đường Quốc Hương, TP Thủ Đức đến đường 743 (khu vực Tân Vạn), phía TP Thủ Đức cũng đạt hơn 85% khối lượng. Lý do chưa đạt 100% bởi chưa nhận được đất từ hàng chục hộ dân và một công ty... Còn trên địa bàn Bình Dương, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 201 với diện tích khoảng 17 ha và mới chi trả được cho 55 hộ.
Theo ông Nam, dự án trùng lắp mặt bằng thi công tại vị trí 8 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên với chiều dài khoảng 1.800 m. Hiện hệ thống thoát nước đã thi công xong, thảm bê-tông nhựa được 1/2 mặt đường, phần mặt đường còn lại chưa thảm bởi dự án đường sắt đang rào chắn để thi công nhà ga.
"Đơn vị đang thi công những nơi mới được tiếp nhận mặt bằng. Chúng tôi sẽ hoàn thành dự án qua TP Thủ Đức sau 6 tháng kể từ ngày nhận đủ mặt bằng từ các bên" - ông Nguyễn Thành Nam khẳng định.
Sớm làm việc với Bình Dương
Để có mặt bằng sớm hoàn thành toàn bộ dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, Sở GTVT TP HCM kiến nghị UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bên liên quan bố trí lịch làm việc giữa UBND TP HCM và lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Sở GTVT TP HCM giao Ban Giao thông tiếp tục phối hợp với UBND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương và Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII - nhà đầu tư) rà soát để thực hiện thủ tục bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4
Kỳ tới: Khẩn trương với nhiều đầu việc
Bình luận (0)