xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

GIAO THÔNG TP HCM CẦN ĐƯỢC GỠ KHÓ (*): Ngóng hoài những cây cầu

Bài và ảnh: THU HỒNG

Hai dự án xây dựng cầu đường nằm tại các quận 6, 8, Bình Thạnh và TP Thủ Đức hàng chục năm chưa hoàn chỉnh khiến người dân nóng ruột, doanh nghiệp vận tải ngao ngán

Năm 2012, công trình xây dựng cầu đường Bình Tiên (nối quận 6 với quận 8, TP HCM) được làm lễ động thổ. Người dân quanh khu vực phấn khởi, mường tượng vài năm nữa cây cầu thẳng tắp dài hơn 3 km không chỉ giúp khai thông việc đi lại mà còn tạo cơ hội đổi đời cho hàng ngàn hộ ở đôi bờ.

Biệt tăm bóng cầu Bình Tiên

Từ đường Bến Bình Đông, chúng tôi rẽ vào đường Cây Sung (phường 14, quận 8). Phía tay phải, nhiều căn nhà đã được bồi thường để nhường mặt bằng cho dự án cấp nước và một phần dự án cầu đường Bình Tiên, có vài hộ dân tranh thủ đặt cây kiểng, giá phơi đồ, nuôi gà, đổ xà bần trông khá nhếch nhác. Bên tay trái, hàng chục căn khác trong tình trạng xuống cấp. Dự án vốn được kỳ vọng giảm ùn tắc hướng đi từ trung tâm thành phố để vào Quốc lộ 1 đến các tỉnh ĐBSCL. Thế nhưng, 10 năm trôi qua, nhà dân nằm trong khu giải tỏa đã xuống cấp trầm trọng mà cầu vẫn chưa thấy đâu.

GIAO THÔNG TP HCM CẦN ĐƯỢC GỠ KHÓ (*): Ngóng hoài những cây cầu - Ảnh 1.

Khu đất giải tỏa trên đường Cây Sung (quận 8, TP HCM) nằm trong dự án cầu đường Bình Tiên để không nhiều năm nay, khá nhếch nhác

Nói về dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên, ông Dương Văn Hoàn (đường Cây Sung) ngao ngán. Ông nói không nhớ nó có từ khi nào, chỉ biết rất lâu rồi có đoàn cán bộ đến nhà đo vẽ, thông báo toàn bộ diện tích nhà ông nằm trong phạm vi dự án rồi sau đó không thấy liên lạc gì. "Do nhà thấp hơn đường nên mỗi khi mưa lớn, triều cường, nước tràn vào gầm giường rất hôi thối, vợ chồng tôi phải xây gờ chắn nước nhưng không ăn thua. Do tuổi cao sức yếu, chúng tôi không dám bỏ tiền sửa chữa, nâng nền vì cứ nghe thông tin dự án sắp thực hiện, nếu xây dựng thì lãng phí... Mà bài ca "sắp, sắp" không biết kéo dài đến bao giờ" - ông Hoàn than thở.

Một trường hợp bí bách khác là gia đình bà Trầm Thị Hương. Bà kể gia đình chạy khỏi dự án "treo" cải tạo bờ kè bờ Bắc kênh Đôi đến đường Bến Bình Đông mua nhà thì lại… dính dự án cầu đường Bình Tiên. Bà Hương cho biết sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn bởi không thể sửa chữa, xây dựng theo ý muốn, bán nhà thì càng khó bởi chẳng ai mặn mà. Người phụ nữ tự nhận "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" cho rằng dự án cần thực hiện khẩn trương, đền bù thỏa đáng, tái định cư... chứ nếu tình trạng này kéo dài thì người dân chịu quá nhiều thiệt thòi.

Đến đường Bình Tiên (phường 3, quận 6), nhiều hộ tại đây khi được hỏi đều bày tỏ bức xúc bởi dự án "treo" quá lâu. Chưa kể, theo họ, vì công trình chưa triển khai nên các phương tiện từ trung tâm thành phố ra các khu đô thị phía Nam phải theo những trục đường Nguyễn Tri Phương, cầu Chữ Y, cầu Chà Và, Nhị Thiên Đường... khiến các tuyến này thường xuyên quá tải, khói bụi nhiều.

Theo tìm hiểu, dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên ban đầu giao Tổng Công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, sau đó phương án đổi đất lấy hạ tầng không đạt yêu cầu nên chủ đầu tư đề nghị rút. Năm 2017, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương tiếp tục đầu tư theo hình thức BT với 4 doanh nghiệp tham gia nhưng không có tiến triển. Sau đó thành phố tạm dừng toàn bộ các dự án đang đàm phán theo hình thức trên, trong đó có cầu đường Bình Tiên.

Thống kê của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 cho hay diện tích đất thu hồi cho dự án đi qua gần 51.000 m2 với 560 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc 2 phường 6 và 14. Trong đó, phường 14 chiếm đa số với 409 trường hợp.

Chính quyền quận 6 và quận 8 nhiều lần kiến nghị HĐND TP HCM và UBND TP xem đây là dự án cấp bách giải quyết bài toán giao thông liên quận, tạo cơ hội ổn định đời sống kinh tế cho người dân bị ảnh hưởng.

Căng mình vì quá tải

Hằng ngày, tình trạng kẹt xe tại các trục huyết mạch cửa ngõ phía Đông Bắc TP HCM cứ lặp đi lặp lại. Không chỉ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thường xuyên ùn ứ từ đoạn cầu Sơn xuôi về hướng Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) mà nhiều tuyến kế cận như Đinh Bộ Lĩnh, Quốc lộ 13, Nguyễn Xí...cũng luôn xảy ra ách tắc. Vào những dịp cao điểm lễ, Tết, phương tiện giao thông qua lại Bến xe Miền Đông tăng cao luôn là nỗi ám ảnh với bất cứ ai lưu thông qua những tuyến đường trên.

Hầu hết những điểm ùn tắc đều thuộc dự án cầu đường Bình Triệu 2, thực hiện năm 2001. Công trình khi ấy đầu tư theo hình thức BOT do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Năm 2004, dự án được Chính phủ giao UBND TP HCM làm các thủ tục điều chỉnh sau khi chấm dứt hợp đồng với Cienco 5.

GIAO THÔNG TP HCM CẦN ĐƯỢC GỠ KHÓ (*): Ngóng hoài những cây cầu - Ảnh 2.

Người và xe hỗn loạn trên Quốc lộ 13, nơi có một hạng mục trong dự án cầu đường Bình Triệu 2

Đến năm 2008, UBND TP HCM cho phép triển khai giai đoạn 2 và giao Công ty Cổ phần Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm các hợp phần như: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước; sửa chữa cầu Bình Triệu cũ; cải tạo một số tuyến đường xung quanh Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) như Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm... Đến năm 2010, CII mới hoàn thành xây cầu Bình Triệu 2, sửa chữa cầu Bình Triệu 1 và đã thu phí hoàn vốn.

Tám năm sau, UBND TP và CII ký hợp đồng BOT về dự án cầu đường Bình Triệu 2 trên cơ sở điều chỉnh hợp đồng cũ, thực hiện tiếp các công trình chưa thực hiện như mở rộng đường Ung Văn Khiêm, xây dựng nút giao Đài Liệt sĩ, hầm chui theo hướng Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13, mở rộng cầu Ông Dầu trên Quốc lộ 13... tổng vốn gần 2.300 tỉ đồng. Với hợp đồng này, CII chỉ hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đơn nguyên cầu Ông Dầu. Các hạng mục còn lại phải dừng do Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên các tuyến đường hiện hữu.

Sau đó, UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành thủ tục đàm phán, chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký với CII trên cơ sở bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, xác định khối lượng cùng chi phí đã thực hiện, phần việc còn dở...

Ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết địa phương rất nóng lòng và mong dự án sớm được bố trí vốn để tái khởi động sau khi thành phố thanh lý hợp đồng BOT với nhà đầu tư. "Tình trạng giao thông quanh khu vực nút giao Đài Liệt sĩ, các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13, Ung Văn Khiêm... đã quá tải, thường xuyên ùn tắc giao thông gây bức xúc cho người dân" - ông Hồ Phương nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4

Kỳ tới: Trông đợi mỏi mòn

"Ở TP HCM còn những dự án cầu dừng thi công nhiều năm như Tăng Long, Nam Lý (TP Thủ Đức) và Long Kiểng (huyện Nhà Bè) khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

"Đường thì kẹt, khói thì khét..."

Vừa hoàn tất chuyến hàng cho khách, đứng bên lề đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) lau mồ hôi nhễ nhại trên trán, anh Nguyễn Tấn Trường chạy xe công nghệ, tuôn một tràng: "Mệt quá, ngày nào cũng kẹt xe đúng giờ nắng gắt. Khách thì hối, đường thì kẹt, khói thì khét, bụi mù mịt, nắng bể đầu"...

Anh Trường cho biết tài xế xe công nghệ giao hàng như anh chỉ nhiều đơn hàng hai buổi sáng và chiều nhưng giờ này các tuyến đường quanh khu vực quanh Bến xe Miền Đông anh hay chạy đều tắc nghiêm trọng. "Giá mà hệ thống giao thông khu vực này thoáng đúng như trước đây từng vẽ ra thì tốt quá. Giấc mơ đi lại thoải mái tôi đợi đã gấp mấy lần thời gian tuổi đời xe ôm công nghệ rồi" - anh Trường than thở.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo