Tại buổi họp báo định kỳ hôm 26-3, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, cho biết bộ đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương kiểm tra, báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý vụ việc 578 giáo viên (GV) hợp đồng tại huyện Krông Pắk có nguy cơ mất việc.
Tùy tiện tuyển dụng
Sau khi UBND huyện Krông Pắk thông báo chấm dứt hợp đồng đối với 208 GV trong tổng số GV dư thừa nói trên gây chú ý dư luận thì mới lộ ra những khuất tất, thiếu sót, bất cập trong việc giao tuyển dụng GV cho UBND cấp huyện.
Các giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk lo lắng trước nguy cơ bị chấm dút hợp đồng
Năm 2013, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã có Kết luận số 60/KL-TTr kiến nghị chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với phòng GD-ĐT kiểm tra, rà soát cân đối lại nhu cầu thực tế, chỉ tiêu biên chế được giao, số lượng GV hiện có của các trường học để tham mưu chủ tịch UBND huyện bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển GV ở những trường thừa sang trường thiếu và có kế hoạch đề nghị lên cấp trên tổ chức xét tuyển ngạch viên chức GV đủ số lượng theo nhu cầu thực tế và biên chế được giao. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, chấm dứt toàn bộ các trường hợp GV ký hợp đồng trong biên chế vượt chỉ tiêu biên chế được giao; chỉ đạo các trường chấm dứt toàn bộ các trường hợp GV đã ký hợp đồng ngắn hạn trái quy định.
Mặc dù vậy, từ sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh đến khi chuyển sang làm Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (năm 2015), ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (giai đoạn 2011-2015), vẫn tiếp tục ký thêm hàng trăm hợp đồng lao động với các GV. Trong năm 2015, sau khi ông Kỷ chuyển công tác, ông Y Suôn Byă lên làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, số lượng GV hợp đồng tại huyện Krông Pắk đã lên đến hơn 400 người. Thay vì tập trung xử lý, thực hiện theo tinh thần kiến nghị của Thanh tra tỉnh, ông Y Suôn Byă lại tiếp tục ký hợp đồng với khoảng 100 GV khiến tình trạng dôi dư GV càng thêm trầm trọng như ngày hôm nay.
Đầu năm 2018, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về công tác tuyển dụng viên chức GV tại tỉnh Đắk Lắk, cho thấy còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Theo đó, phần lớn các huyện, thị xã, thành phố trong các năm 2014, 2015, 2016 chưa xây dựng phương án tuyển dụng để phục vụ nhu cầu dạy và học. Tính đến tháng 3-2017, các huyện, thị xã, thành phố đã ký 2.902 hợp đồng; riêng huyện Krông Pắk đến thời điểm thanh tra đã ký 521 hợp đồng vượt chỉ tiêu biên chế giao. Việc ký kết hợp đồng lao động quy định thời hạn từ ngày ký đến khi tuyển dụng viên chức và quy định thời gian thử việc 6 tháng, 12 tháng cũng chưa đúng quy định của Bộ Luật Lao động. Vì lý do này, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm giám đốc Sở Nội vụ và chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2015-2020.
Khó tránh mất việc
Về hướng giải quyết đối với 578 GV hợp đồng nói trên, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, khẳng định trong số này có 208 GV do không bố trí được việc làm nên sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng. Sau khi huyện ra thông báo về việc này và vấp phải phản đối của GV, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo tạm dừng chấm dứt hợp đồng để rà soát lại; trên cơ sở đó đề xuất cơ quan cấp trên xử lý theo hướng hợp tình hợp lý, đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho các GV. Đối với 370 GV còn lại sẽ tổ chức cho tham gia kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục để bố trí theo 83 chỉ tiêu biên chế của huyện Krông Pắk; số không đậu sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Như vậy, sẽ chỉ có 83 GV được trụ lại, 495 GV còn lại khó tránh nguy cơ mất việc.
Trước tình hình trên, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết sở đã đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện Krông Pắk có phương án điều chuyển GV dôi dư từ huyện Krông Pắk sang các huyện khác còn thiếu. Trong trường hợp không thể bố trí được nữa, phải có chính sách hỗ trợ để các thầy cô ổn định cuộc sống và tìm công việc mới.
Còn theo ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk, cơ quan này đã chỉ đạo Công đoàn các cấp, rà soát lại tình trạng các đoàn viên, người lao động đang là GV hợp đồng thuộc diện có nguy cơ mất việc để xem xét có hướng hỗ trợ cụ thể.
Ông Miêng Klơng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, cho rằng vụ việc của huyện Krông Pắk cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Về hướng khắc phục, ông Miêng Klơng nói trong mọi trường hợp không bố trí được việc làm thì cần phải có cách làm phù hợp nhằm ổn định tinh thần cho các GV; có cơ chế về tài chính nhằm hỗ trợ họ tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống cũng như chuyển đổi nghề nghiệp.
Kiến nghị giao ngành giáo dục tuyển giáo viên
Ông Phạm Đăng Khoa cho rằng theo quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì phòng nội vụ tham mưu, giúp UBND huyện việc cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập… Do đó, nhiều nơi chủ tịch huyện giao việc tuyển dụng viên chức giáo dục cho phòng nội vụ. Phòng Nội vụ chỉ nắm trường này thiếu bao nhiêu chỉ tiêu nhưng không biết cụ thể thiếu ở những môn gì, dẫn đến đưa GV về mà bộ môn này dư, bộ môn kia vẫn thiếu. Do đó, sở kiến nghị Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ thống nhất lại việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển viên chức giáo dục về cho ngành để tham mưu, theo dõi sát hơn, tránh việc tuyển dôi dư như vừa qua tại huyện Krông Pắk.
Bình luận (0)