xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gieo mùa Xuân cho đời

Bài và ảnh: NHƯ TRANG

Chấp nhận gian khổ, hiểm nguy, những người lính công binh vẫn ngày đêm cần mẫn lần theo dấu vết bom mìn, làm hồi sinh những vùng đất chết

Tinh mơ, tôi bám theo những bước chân thoăn thoắt của các anh lính công binh băng qua mấy con đường nhỏ ẩn dưới rừng thông bạt ngàn xanh thuộc xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Họ gồm 25 người khoác áo màu xanh vừa đi vừa trò chuyện râm ran. Thỉnh thoảng, tiếng cười vang lên, xen giữa tiếng thở dài đứt quãng. Các anh bảo đó là cách giải tỏa căng thẳng trước khi đối mặt với "tử thần".

Bình tĩnh, tự tin

Mặt trời lên cao cũng là lúc cả đội đến khu vực dò tìm bom mìn. Sau khi đại úy Huỳnh Văn Khẩn - đội trưởng đội dò tìm xử lý bom mìn - triển khai nhiệm vụ, mỗi người một dụng cụ cứ thế làm việc hăng say, miệt mài. Gương mặt họ luôn lộ rõ sự cẩn trọng. Người di chuyển đường dây phân định khu vực dò tìm, người cắm cờ giới hạn, người phát dọn cây cỏ hoang nhằm dọn sạch mặt bằng. Tiếp đó, họ chia nhau cầm máy dò nhẹ nhàng di chuyển theo từng khu vực.

Đến đâu máy phát ra tiếng kêu "tít... tít... tít" ấy là tín hiệu báo dưới lòng đất có kim khí. Ngay lập tức, lá cờ đỏ hình tam giác được cắm vào để đánh dấu. Đại úy Hoàng Văn Tuấn, người có thâm niên cầm máy dò tìm bom mìn gần 10 năm, chia sẻ: "Gắn bó với chiếc máy đồng nghĩa với việc phải hiểu rõ từng tiếng kêu của nó. Lúc máy phát tiếng kêu to, mạnh, nghĩa là trong dự đoán ban đầu của tôi bắt đầu hình dung đến bom hoặc mìn kích cỡ lớn. Dù là vật liệu nổ thế nào tôi vẫn phải luôn giữ thái độ bình tĩnh, tự tin để cùng anh em xử lý an toàn".

Gieo mùa Xuân cho đời - Ảnh 1.

Niềm vui của người lính công binh sau khi dò tìm được quả bom

Theo chân các anh lính công binh ròng rã mấy ngày trời, đến xế chiều ngày thứ ba, tôi mới tận mắt nhìn thấy quả bom nặng 500 pound (cân Anh, 1 pound = 0,45359237 kg) lộ ra dưới lòng đất sau những nhát xẻng đào bới một cách chuyên nghiệp của các anh. Đó là chưa kể đến hàng chục viên đạn cối 60 mm, đạn súng phóng lựu M79 và cả những viên bom bi bằng nắm tay người.

Nắng sắp tắt, đẩy những bóng cây về phía xa. Tôi nhìn rõ hơn những gương mặt đen sạm, thấm đẫm mồ hôi nhưng tràn ngập niềm vui khó tả khi có tiếng hô: "Vậy là tìm được rồi!". Dứt lời, ai nấy đều vào vị trí xử lý quả bom, đưa lên khỏi hố đất rộng rồi di chuyển đến bãi hủy nổ của quân khu. Bấy giờ, tất cả lều, lán trại dựng dưới những gốc thông già cũng được thu gọn vào những chiếc ba-lô xanh.

Sau gần một tháng dò tìm ở khu vực xã Duy Nghĩa, họ lại tiếp tục hành trình đến những vùng đất mới, nơi ấy rất nhiều người dân đợi chờ, mong ngóng tin vui...

Hết miền ngược đến miền xuôi

Thành lập từ năm 2008, Xí nghiệp Miền Trung (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 206, Quân khu 5) với 2 đội dò tìm cứ thế luân phiên đi hết miền ngược đến miền xuôi. Từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk hay vùng địa hình miền núi hiểm trở ở Quảng Nam như các huyện Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn. Những người lính công binh kiên cường, dũng cảm cần mẫn hoàn thành sứ mệnh "mở đất" giúp biết bao đồi núi, nương ngô mọc lên xanh tốt.

Hỏi về kỷ niệm chuyến đi dài nhất và nhiều gian truân nhất, thượng úy Nguyễn Đức Bình liền kể ngay hành trình dò tìm xử lý bom mìn tuyến đường liên xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc ở huyện Phước Sơn. Lúc này, đường núi rất hiểm trở, khó khăn. Đội các anh phải băng bộ gần 30 cây số và trong một ngày dò tìm được đến gần chục quả bom 250 pound. Đi đến đâu, lều trại cắm đến đó, gạo muối cũng cõng theo trong ba-lô. Trên địa hình núi nhiều dốc cao, đất cứng và cạn nên bom mìn lộ ra nhiều vô kể, xử lý trong ngày không hết, họ lại cắm lều thay ca trực, đề phòng người dân đi ngang thì báo tránh.

Thượng úy Bình nói: "Bom mìn lạnh lùng lắm, chúng im lìm ẩn mình trên những quả đồi, khe suối. Người dân không cẩn thận, đụng phải thì rất dễ thương vong. Mình cười được chứ đừng bao giờ để bom mìn mở miệng cười".

Ban ngày đối diện với biết bao khắc nghiệt, đêm về ngồi ở lán trại giữa núi rừng, những người lính công binh lắng lòng nghĩ đến người thân. Ít ai biết rằng trông người lính bề ngoài dày dạn và chai lì trước mỗi hố bom đạn nhưng trong thâm tâm vẫn luôn đau đáu, giằng xé khi đối mặt với tử thần. Tất cả họ đều phải đặt gia đình yêu thương phía sau công việc.

Đại úy Phan Văn Hùng năm nay tròn 34 tuổi, đã lấy vợ và có 2 con, vậy mà cơ hội gặp gia đình dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh nói: "Chắc phải có duyên mới gắn bó với bom mìn bền chặt thế này. Lắm lúc ước ao được gần gũi gia đình nhưng nghĩ lại, phía trước còn quá nhiều vùng đất hiểm nguy bởi các vật nổ chiến tranh sót lại, tôi càng quyết tâm theo đến cùng dấu tích ấy để rà phá".

Chẳng ngại gian lao

Gắn bó bền chặt với nhân dân trên mọi nẻo đường đối mặt với bom mìn, gặp cụ già mang vác bó củi nặng trên vai là các anh liền giúp đỡ. Thấy những cô cậu học trò miền núi lội bộ đường rừng đi học giữa trời mưa, các anh chẳng quản ngại tặng chiếc áo xanh người lính. Bất kể gặp vụ tai nạn nào trên đường công tác, cần người sức dài vai rộng đưa nạn nhân đi cấp cứu là họ chẳng tiếc sức mình giúp đỡ ngay. Cũng từ chuỗi ngày hành quân làm nhiệm vụ dò tìm bom mìn, họ tìm ra bao mảnh đời bất hạnh là nạn nhân chất độc da cam do chiến tranh để lại. Nhờ những yêu thương xuất phát từ trái tim người lính công binh, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam đã được trợ giúp hằng tháng với số tiền 300.000 đồng/người. Rồi hàng chục ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng để trao tặng cho thương binh, vợ liệt sĩ còn nhiều khó khăn.

Trở về sau mỗi chuyến đi xa hoặc mỗi dịp lễ, Tết cận kề, các anh lính kiên cường, dũng cảm ấy lại mang lòng nhân ái chia sẻ đến những mảnh đời bất hạnh. Như Xuân Mậu Tuất này, họ đã kịp trở về sớm, cùng xí nghiệp ủng hộ 70 triệu đồng xây căn nhà cho bà Nguyễn Thị Giỏi - vợ liệt sĩ Lê Cát (khối Hà Quảng Đông, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) - đón một cái Tết đầm ấm, yên vui. Và chắc rằng trên những rẻo cao, nơi miền núi xa xôi họ từng đặt chân đến, lần lượt các tuyến đường được giải phóng sạch sẽ. Nơi đây, người dân sẽ tự tin khai hoang, gieo những hạt giống đợi mùa Xuân về nảy lộc đơm hoa!

Với những người lính công binh, bất kể làm việc ở đâu, khó khăn ra sao vẫn một lòng tiến về phía trước. Công việc dò tìm xử lý bom mìn không cho phép thất bại, càng không có cơ hội sửa chữa sai lầm. Đối mặt với bom mìn đồng nghĩa với việc có thể bỏ lại tuổi xuân.

Hạnh phúc giản đơn

Đối với người lính công binh, điểm tựa trên mỗi hành trình dò tìm bom mìn là những người dân hiền lành nơi họ đến. Ai cũng bảo được ở nhờ nhà các bà, các mẹ, uống ngụm nước chè họ nấu đã là niềm hạnh phúc vô bờ. Từ những yêu thương giản dị, chân chất này mà người lính thỏa nỗi nhớ mẹ, nhớ quê.

Căn nhà 3 gian đã cũ của cụ Võ Thị Xinh (76 tuổi; khối Quảng Lăng 2, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bấy lâu chỉ một mình cụ sinh sống. Nay, các anh lính công binh tìm đến tá túc vài ngày như mang đến cho cụ một sự ấm áp lạ thường. Cụ chia sẻ: "Gặp lại hình ảnh những anh chiến sĩ đi làm nhiệm vụ này, tôi rất nhớ năm tháng nuôi bộ đội hồi đất nước còn chiến tranh. Nghèo đói sao không biết chứ hễ các chiến sĩ đến là mình phục vụ tận tình vì họ đang cống hiến cho đất nước, cho dân có cuộc sống bình an".

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Gieo mùa Xuân cho đời - Ảnh 4. Gieo mùa Xuân cho đời - Ảnh 4. Gieo mùa Xuân cho đời - Ảnh 4. Gieo mùa Xuân cho đời - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo