Sáng 1-4, với 94,79% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định giữ chức Phó Chủ tịch QH.
Trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình QH miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Tờ trình của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, được QH tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, theo đánh giá của Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc .Ảnh: NGUYỄN NAM
Nay do yêu cầu sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội XIII của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước và công tác cán bộ, Chủ tịch nước đề nghị QH xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Theo chương trình kỳ họp 11, sáng nay (2-4), Ủy ban Thường vụ QH báo cáo QH kết quả thảo luận tại đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Chủ tịch nước báo cáo QH về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, QH miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20-7-1954; quê quán: xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; ĐBQH khóa XI, XIII, XIV. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng kinh qua các chức vụ từ chuyên viên; Phó Văn phòng; Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho tới Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 7-4-2016, tại kỳ họp lần thứ 11 QH khóa XIII, ông Nguyễn Xuân Phúc được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Ngày 26-7-2016, tại kỳ họp lần thứ nhất QH khóa XIV, được tín nhiệm bầu tái cử Thủ tướng Chính phủ.
Trình miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng
Ngay sau khi thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944; quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (tháng 8-1999 đến tháng 4-2001); ĐBQH các khóa XI, XII, XIII, XIV; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII...
Tháng 10-2018, tại kỳ họp lần thứ 6 QH khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Chiều 2-4, Ủy ban Thường vụ QH báo cáo QH kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó QH miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín và QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước. Tiếp đó Ủy ban Thường vụ QH trình danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch nước.
Trước đó, thông tin tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 QH khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước. Đây là lần đầu tiên QH sẽ bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước.
Hiện nhân sự đề cử vào chức danh Thủ tướng chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố. Tuy nhiên, danh sách người được các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV cho thấy Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử khối Chính phủ.
Theo chương trình kỳ họp, sáng 5-4, QH bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Chủ tịch nước tuyên thệ.
Ngay sau khi tuyên thệ, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để QH bầu Thủ tướng Chính phủ. Chiều 5-4, QH bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tăng đại biểu chuyên trách HĐND TP Hà Nội
Chiều 1-4, QH thảo luận về quy định số lượng ĐB hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Đa số ĐB đồng tình với đề xuất tổng số ĐB chuyên trách của HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026 là 19 ĐB, còn HĐND quận, huyện, thị xã và HĐND xã, thị trấn thực hiện việc bố trí chức danh ĐB hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Các ĐB cho rằng đề nghị của TP Hà Nội không làm tăng số lượng ĐB HĐND TP Hà Nội mà chỉ tăng số lượng ĐB hoạt động chuyên trách, tăng một số chức danh lãnh đạo của Thường trực HĐND, các ban của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, việc tăng số lượng ĐB hoạt động chuyên trách là có cơ sở thực tiễn, phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền ở cấp thành phố.
Bình luận (0)