Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đang diễn ra và tại kỳ họp này sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước, trong đó có lãnh đạo Chính phủ.
Tại phiên họp thường kỳ hôm nay, Chính phủ sẽ xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ sẽ xem xét một số báo cáo về: Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh Quý I năm 2021; công tác cải cách hành chính Quý I năm 2021; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng Quý I năm 2021; tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Tổ công tác tháng 3-2021…
Phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV trước khi kiện toàn diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đã đi qua quý đầu tiên của năm 2021 với kết quả rất tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế Quý I/2021 cao hơn Quý I/2020, ước tăng 4,48% (cùng kỳ tăng 3,68%). Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối diện không ít khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2021 là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về những vấn đề cấp bách, nổi cộm, thực hiện tốt tinh thần "làm việc đến giờ phút cuối cùng", không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, kiện toàn bộ máy, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ với trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân.
Cảnh báo rủi ro "bong bóng"
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 31/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và dự kiến Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Nêu rõ 8 điểm sáng, 7 điểm cần lưu ý của kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP cả năm, đồng thời cảnh báo tình trạng giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh, “nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh”.
Theo Bộ trưởng, nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. "Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh", Bộ trưởng nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Bộ trưởng đề nghị tập trung theo dõi sát diễn biến của các thị trường tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; giám sát các tổ chức tín dụng có các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Bộ Tài chính tập trung theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tăng cường giám sát biến động của thị trường chứng khoán, chống thao túng giá, phòng ngừa rủi ro tăng nóng của thị trường...
Bình luận (0)