Chỉ cần gõ từ khóa "bốc đầu" là hàng loạt clip, hội nhóm khoe "chiến tích" lạng lách, đánh võng, nẹt pô, bốc đầu xe… xuất hiện. Người dùng mạng xã hội còn có thể dễ dàng tìm kiếm những hướng dẫn "bốc đầu cho xe máy/xe đạp đầy đủ và dễ hiểu" trên Google, Youtube, TikTok…
Không khó để tìm những bạn trẻ cổ xúy cho việc "biểu diễn" xe trên mạng xã hội
Mỗi clip thường thu hút cả trăm ngàn lượt xem. Thậm chí, một số bình luận còn bày tỏ sự "ngưỡng mộ" đối với hành vi vi phạm luật lệ giao thông này và mong muốn được học hỏi!
Lạng lách, bốc đầu với xe đạp
Thạc sĩ Tiêu Minh Sơn, giảng viên Bộ môn Kỹ năng mềm - Trường Đại học Văn Lang, cho rằng hầu hết các bạn trẻ trong độ tuổi genZ đều có nhu cầu thể hiện bản thân nhằm tạo sự chú ý trong một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, do kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức còn hạn chế nên vô tình, nhu cầu này thể hiện một cách thái quá, dẫn đến những hành vi không tốt cho xã hội.
Ngày 19-10, tại thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM xử lý, khởi tố người mẫu Ngọc Trinh về hành vi gây rối trật tự công cộng khi biểu diễn mô tô tạo dáng nguy hiểm, thả hai tay, thì trên mạng xã hội cũng xuất hiện 1 số clip "biểu diễn" xe máy của nhóm thanh niên ngoài 20 tuổi, gây bức xúc không kém.
Vì muốn thể hiện bản thân và muốn được nhiều người biết đến nên nhiều bạn trẻ đã quay clip đăng lên mạng xã hội
Trong clip, nhóm thanh niên khoảng 3 - 4 người thể hiện nhiều động tác nguy hiểm trên xe máy, như: bốc đầu xe, vừa bốc đầu vừa thả hai tay, chở 3 để bốc đầu… Làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng thừa nhận hành vi và khai báo rằng vì muốn thể hiện bản thân và muốn được nhiều người biết đến nên mới quay clip đăng lên mạng xã hội.
Gần đây, ngày 1-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định khởi tố 6 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng. Theo đó, các đối tượng thường xuyên tụ tập, lạng lách, bốc đầu xe, gây mất an toàn giao thông. Công an xác định các đối tượng này ở độ tuổi 17 - 21, thường xuyên đăng tải clip ghi lại cảnh nẹt pô, bốc đầu xe lên mạng xã hội để "câu view", "câu like".
"Biểu diễn" bất chấp nguy hiểm, chỉ nhằm "câu like"
Nhìn chung, việc chạy xe vi phạm luật lệ giao thông nhưng vẫn ngang nhiên khoe "chiến tích" trên mạng xã hội là hành vi thể hiện sự xem thường pháp luật, gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.
Không chỉ phạt đối tượng chạy xe vi phạm luật lệ giao thông, pháp luật hiện hành còn có chế tài xử phạt đối với người góp phần lan tỏa, chia sẻ những hành vi này lên mạng xã hội.
Luật sư Nguyễn Chí Thắng, Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích: "Do những hành vi này vi phạm pháp luật, gây tác động xấu đến người xem, đặc biệt là giới trẻ, nên việc chia sẻ lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với số tiền lên đến 20 triệu đồng".
Không ít clip người còn mặc đồng phục là học sinh
Theo luật sư Nguyễn Chí Thắng, có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này nhưng trước tiên, thầy cô, cha mẹ phải luôn tuân thủ luật giao thông, là tấm gương để trẻ noi theo. Gia đình và nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục luật giao thông để nâng cao ý thức chấp hành của các em nhằm hạn chế tối đa vi phạm, tai nạn có thể xảy ra.
"Việc tạo ra một sân chơi hợp pháp dành riêng cho những bạn trẻ đam mê tốc độ và mạo hiểm là cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của các bạn. Lúc này, những người ưa thích mạo hiểm được trải nghiệm cảm giác mạnh tại các cuộc đua được tổ chức bài bản, an toàn và hợp pháp." - luật sư Nguyễn Chí Thắng đề xuất.
Bình luận (0)