Theo đó, bị cáo Đặng Văn Hiến (trú tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) vẫn y án tử hình về tội "Giết người". Các bị cáo Ninh Viết Bình (trú tại xã Quảng Trực) từ 20 năm xuống còn 18 năm tù, Hà Văn Trường (trú tại xã Quảng Trực ) từ 12 năm xuống 9 năm tù cùng về tội "Giết người". Bị cáo Đoàn Văn Diện (ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) từ 9 tháng tù giam được giảm thành 9 tháng tù treo về tội "Che giấu tội phạm". Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) từ 6 năm xuống còn 4 năm tù, Phạm Công Thiện (Trưởng quản lý Công ty Long Sơn) từ 4 năm xuống còn 2 năm tù cùng về tội "Hủy hoại tài sản".
Bà Mai Thị Khuyên (vợ bị cáo Hiến, thứ 3 từ phải sang) và người dân đến dự tòa
Theo HĐXX, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất rừng tại Tiểu khu 1535 thuộc xã Quảng Trực để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tháng 6-2013, ông Sửu và vợ nhận chuyển nhượng công ty này. Quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân xâm canh trồng điều, cà phê, cao su và bán cho các hộ dân khác. Dù chính quyền địa phương đã yêu cầu công ty không được tự ý san ủi nhưng ông Sửu và ông Thiện đã tổ chức lực lượng hơn 30 cán bộ, bảo vệ chia thành 2 nhóm mang theo công cụ hỗ trợ vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của các hộ dân vào ngày 23-10-2016.
Thấy tài sản của gia đình bị san ủi, ông Hiến bắn chỉ thiên thì nhóm người của Công ty Long Sơn ném đá lại. Ông Hiến chạy vào nhà, bắn nhiều phát vào nhóm này. Ông Trường đã tiếp đạn cho ông Hiến bắn còn ông Bình cầm súng chạy lên nhà ông Hiến hỗ trợ. Riêng ông Diện đã giúp sức cho ông Hiến bỏ trốn.
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hiến tập trung phân tích các tình tiết trong vụ án để chứng minh ông Hiến giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh, không có tính chất côn đồ.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phân tích: "Hành vi trái pháp luật của Công ty Long Sơn mang tính áp bức nặng nề, phá hoại tài sản là nguồn sống của các gia đình và sử dụng bạo lực đối với người dân. Việc này lặp đi lặp lại, âm ỉ, kéo dài suốt 8 năm, tạo nên sự đè nén cho ông Hiến. Đến ngày 23-10-2016, hành vi san ủi trái phép của Công ty Long Sơn lại xuất hiện. Xét cả quá trình phát triển của sự việc, sự kích động này được coi là mạnh hoặc rất mạnh. Khi ông Hiến bắn phát súng đầu tiên vào các công nhân Công ty Long Sơn cho đến khi 3 nạn nhân chết, ông Hiến ở trong trạng thái kích động, hoảng loạn" - luật sư Quynh nói.
HĐXX cũng nhận định hành vi dùng súng bắn vào nhóm bảo vệ ở khu vực gần nhà là do bức xúc trước việc tài sản của gia đình bị hủy hoại. Tuy nhiên, sau đó, ông Hiến lại tiếp tục cầm súng đi lên khu vực san ủi và bắn làm nhiều người của Công ty Long Sơn tử vong, trong khi những người này không có bất cứ hành vi chống cự nào, là phạm tội quyết liệt, có tính côn đồ.
Tuy tuyên án tử với bị cáo Hiến nhưng kết thúc phiên tòa, chủ tọa 2 lần nhắc bị cáo Hiến làm đơn gửi Chủ tịch nước trong vòng 7 ngày để được xem xét giảm án tử hình.
Luật sư Nguyễn Thanh Huy, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông, cho rằng đã bỏ lọt tội phạm và hành vi phạm tội liên quan đến người của Công ty Long Sơn. Hành vi hủy hoại tài sản của Công ty Long Sơn có vai trò giúp sức của nhóm bảo vệ hơn 30 người nhưng không được tòa xem xét. Công ty Long Sơn nhiều lần tổ chức lực lượng hủy hoại cây trồng của người dân quanh khu vực nhà ông Hiến nhưng đến nay không bị xử lý. Về vấn đề này, HĐXX cho rằng nhóm bảo vệ này chỉ là những người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo nên không cần thiết xem xét về mặt hình sự.
Bình luận (0)