Nhưng rừng vẫn tiếp tục "chảy máu". Trong đó, không ít những cánh rừng phòng hộ từ Tây Nguyên đến Bình Định, Quảng Nam đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc để lấy gỗ, lấy đất sản xuất.
Lực lượng bảo vệ rừng, chính quyền địa phương không biết hay lực lượng mỏng không đủ sức để ngăn chặn như cách mà kiểm lâm vẫn thường nói? Cả nước hiện có 10.260 cán bộ kiểm lâm với 4 chi cục kiểm lâm vùng, 63 chi cục kiểm lâm cấp tỉnh; 6 vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); 25 vườn quốc gia trực thuộc các tỉnh, thành phố; 272 phòng, 84 đội kiểm lâm cơ động, 404 hạt kiểm lâm huyện, 47 hạt kiểm lâm liên huyện, 19 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, 11 hạt kiểm lâm rừng phòng hộ.
Lực lượng như thế thì không thể nói là mỏng. Đấy là chưa kể hàng ngàn cán bộ bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp. Những ngày sau năm 1975, rừng còn bát ngát, nhưng toàn lực lượng kiểm lâm chỉ có khoảng 9.700 người. Bây giờ rừng chẳng còn bao nhiêu, lực lượng kiểm lâm lại phình to nhưng vẫn không giữ được rừng.
Vì sao rừng vẫn mất? Hãy nhìn vào đường dây gỗ lậu của ông trùm Phượng "râu" ở Đắk Nông để tìm câu trả lời. Để đưa được hàng trăm khối gỗ lậu từ rừng về điểm tập kết, những chuyến xe gỗ của ông trùm này phải qua hàng loạt chốt, trạm từ kiểm lâm, công an đến biên phòng. Nhiều trạm trong số ấy có gác chắn và trực 24/24. Thế nhưng, con đường gỗ lậu vẫn rầm rập những chuyến xe qua trong suốt thời gian dài mà chẳng thấy huyện, tỉnh ra tay. Phải đợi đến rạng sáng 27-4, Bộ Công an phục kích mới lộ rõ liên minh giữa lực lượng bảo vệ rừng và "lâm tặc". Nhiều cán bộ, lãnh đạo kiểm lâm đã nhận hàng trăm triệu đồng để cho những chuyến xe gỗ lậu của Phượng "râu" đi qua. Vậy thì không thể nói là không thấy mà chỉ có nhắm mắt làm ngơ. Rừng nào còn trước những bàn tay kiểm lâm "nhúng chàm", những liên minh "ăn rừng" này!
Rồi sẽ còn những "con sâu" mặc áo cán bộ giữ rừng tra tay vào còng. Thế nhưng, để bắt hết những "con sâu" ấy, e là rừng cũng chẳng còn.
Một thực tế đau lòng khác là rừng mất nhưng lực lượng bảo vệ rừng và chính quyền địa phương không dám nhìn thẳng vào thực tế để ngăn chặn. Vụ phá rừng ở tỉnh Lâm Đồng là một ví dụ. Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng phòng hộ ở huyện Đạ Tẻh, thay vì tiếp thu để tìm cách ngăn chặn thì UBND huyện Đạ Tẻh và Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng có văn bản phản hồi cho rằng báo chí phản ánh không chính xác, gây hiểu nhầm cho bạn đọc, gây hoang mang, nghi ngờ cho người dân về lực lượng bảo vệ rừng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Để rồi Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng lại ra văn bản đòi xử lý phóng viên và hoạt động báo chí. Chỉ đến khi phóng viên quay lại những cánh rừng này, ghi lại những hình ảnh ngổn ngang gỗ rừng bị đốn hạ, cung cấp cho lãnh đạo huyện Đạ Tẻh thì lãnh đạo huyện này mới cho hay chỉ đạo điều tra và sau đó đã khởi tố vụ án phá rừng ở đây.
Lệnh đóng cửa rừng đã được ban bố. Lẽ ra chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phải vận hành hết công suất guồng máy để thực hiện lệnh thì lại tiếp tay để lâm tặc phá rừng và bao biện cho những cánh rừng bị phá. Trên bảo, dưới không nghe thì rừng sẽ còn tiếp tục "chảy máu".
Bình luận (0)