Sáng 5-11, hàng chục người dân đã đổ xô ra sông vớt gỗ, cưa xẻ ngay bên dưới chân cầu Nước Bua, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Cạnh nhiều người dân trục vớt gỗ về dựng lại nhà cửa, nhiều công nhân Chi cục Đường bộ 3 tham gia trục vớt gỗ để khơi thông dòng chảy đang bị chắn ngang.
Người dân trục vớt gỗ. Ảnh: M.Lực
"Mưa lũ sau bão số 9 cuốn nhiều cây cổ thụ từ đầu nguồn trôi dạt về dày đặc ở xung quanh khu vực cầu Nước Bua, ước lên đến hàng trăm m3. Nhiều cây gỗ rừng có đường kính từ 40-50cm, dài hơn 8 m về nằm ngổn ngang ở các cồn cát trên sông Nước Bua… Do lượng gỗ quá nhiều, dòng chảy quá lớn sau mưa bão, 2 nhịp cầu Nước Bua cũng bị võng xuống. Trước mắt xã chỉ cho xe máy và ôtô 4 chỗ qua lại, còn xe trọng tải lớn bị cấm qua cầu", ông Nguyễn Viết Chưởng, Chủ tịch UBND xã Sơn Bua cho hay.
Hàng trăm khối gỗ dưới chân cầu Nước Bua. Ảnh: M.Lực
Cục quản lý Đường bộ III, cho biết đã phối hợp với địa phương huy động 20 nhân công, 1 máy cẩu và 2 máy đào để trục vớt, khai thông dòng chảy cho cầu Nước Bua. Dự kiến việc trục vớt hoàn thành trong ngày 5-11.
Ông Nguyễn Đại, Trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, cho biết gỗ trôi xuống cầu Nước Bua chủ yếu là gỗ từ xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam - nơi xảy ra sạt lở núi liên tiếp do bão số 9 (giáp tỉnh Quảng Ngãi), số khác bị khai thác trái phép rồi bỏ lại trên núi, bị nước lũ trôi xuống. "Chúng tôi đã cho phân loại, đưa hơn 5 khối gỗ tốt về UBND xã Sơn Bua. Số gỗ này sẽ được lập hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân, bán đấu giá", ông Đại cho biết.
Cầu Nước Bua bị gỗ chặn bít chân cầu. Ảnh: M.Lực
Nhiều cây có đường kính 40-50cm. Ảnh: M.Lực
Cục quản lý Đường bộ III cũng huy động công nhân khai thông dòng chảy. Ảnh: M.Lực
Lượng gỗ đổ về ước lên đến hàng trăm khối. Ảnh: M.Lực
Bình luận (0)