Chiều 5-4, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương trong vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng Đông Nam Bộ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Sớm hoàn thành các tuyến cao tốc
Tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông cho vùng là vấn đề được quan tâm và ưu tiên bàn thảo tại cuộc làm việc.
Báo cáo về tiến độ triển khai các dự án trọng điểm ở vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay, một số công trình giao thông trọng điểm đã và đang khẩn trương thực hiện, như: Quốc lộ 1 từ TP HCM đến Cà Mau dài 334 km; tuyến đường cao tốc phía Đông TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau đã hoàn thành đoạn TP HCM - Trung Lương, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ chuẩn bị mở thầu, đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang báo cáo Chính phủ xem xét triển khai.
"Bộ đang phối hợp với tỉnh Tiền Giang điều chỉnh dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo kết luận của Thủ tướng. Tất cả công việc đang diễn ra thuận lợi, Chính phủ quyết định hỗ trợ dự án này 2.186 tỉ đồng. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) sẽ tham mưu cho Chính phủ bằng những quyết định cụ thể. Riêng Bộ GTVT, nhà đầu tư, tỉnh Tiền Giang tập trung điều chỉnh dự án, điều chỉnh lại cơ cấu các nhà đầu tư cũng như cơ cấu vốn. Dự kiến, cuối năm 2020 sẽ thông được đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận. Nếu không thảm được toàn bộ thì thảm một số đoạn, một số đoạn hoàn chỉnh kết cấu để thông tuyến" - ông Thể thông tin.
Ðối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Thể cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính căn cứ nguồn vượt thu năm 2018 để bố trí 932 tỉ đồng cho Bộ GTVT mở thầu. Dự kiến trong năm 2019, sẽ mở thầu dự án này, công bố rộng rãi để triển khai đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Còn tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều lần và Bộ GTVT đang nghiên cứu sẽ lập dự án nhưng thời điểm quyết định đầu tư và vốn sẽ chậm lại vì đang tập trung nguồn lực cho tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Riêng cầu Mỹ Thuận 2 đã được Quốc hội đồng ý bố trí nguồn vốn 5.100 tỉ đồng để xây dựng, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án. Theo kế hoạch, cuối năm nay sẽ khởi công dự án, hoàn thành vào năm 2023. Sau khi cao tốc từ Trung Lương - Cần Thơ thông toàn tuyến và cầu Mỹ Thuận 2 hình thành, sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn khoảng 50 km và tiết kiệm khoảng 2 giờ đi lại từ TP HCM - Cần Thơ so với tuyến Quốc lộ 1.
Công nhân đang thi công tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: LÊ KHÁNH
Cam kết của Chính phủ
Về các dự án được lãnh đạo Bộ GTVT trình bày, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần ưu tiên, quan tâm bố trí vốn tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường bộ đã được xác định trong quy hoạch mang tính chất vùng và liên vùng; tăng cường giao thông đường thủy; tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao và các dự án bảo vệ môi trường đã có vốn đầu tư...
Về giải pháp phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KH-ĐT đang được giao xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ phấn đấu hoàn thành đề án trước tháng 5-2020 để trình Chính phủ xem xét.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong chương trình phát triển GTVT ở ĐBSCL còn nhiều điểm cần điều chỉnh nhưng với báo cáo của Bộ GTVT, có thể nói đó là một cam kết của Chính phủ, của Bộ GTVT trước 20 triệu người dân ĐBSCL về vấn đề hạ tầng.
"Cam kết này sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời để giải quyết bức xúc hiện nay đối với ĐBSCL, trước hết là tuyến đường bộ Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, phải được thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021" - Thủ tướng chỉ đạo.
Nói thêm về phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng không có giao thông, vùng ĐBSCL sẽ không phát triển được. Đây là nguyện vọng chính đáng của chính quyền, người dân các địa phương trong vùng.
"Trong các giải pháp đột phá, chúng ta nhất trí đột phá về hạ tầng là quan trọng nhất. Hạ tầng ở đây không chỉ là cầu cống, đường sá, sân bay mà còn phải là hạ tầng xã hội, trường học, y tế, thiết chế văn hóa; tích hợp hạ tầng thông minh, kết nối số được ứng dụng mạnh mẽ hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải kết nối giao thông liên vùng
Trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm đến kết nối giao thông liên vùng. Thủ tướng cho biết sẽ có một hội nghị về kết nối ĐBSCL và Đông Nam Bộ với TP HCM trong thời gian tới. Các vành đai, các tuyến quan trọng phải kết nối, vì đây là trung tâm thương mại lớn, đông dân cư, tiêu thụ lớn.
Bình luận (0)