Ngay dự án đầu tư công như mở rộng Quốc lộ 25 qua Phú Yên cũng bị vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng
Ngày 18-12, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức hội thảo "Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư". Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia và bộ ngành.
Phải đi "cửa sau" để bồi thường
Hội thảo tập trung xoay quanh ba vướng mắc nổi cộm, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên là về công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, vướng mắc của dự án đầu tư có đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất rừng, kể cả rừng phòng hộ ven biển và vướng mắc trong dự án đầu tư vào cụm công nghiệp. Trong đó, hội thảo tập trung nhiều nhất trong việc gỡ vướng về công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Đây được xem là "điểm nghẽn" dẫn đến việc chậm tiến độ của các dự án và là điều lo ngại nhất đối với các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào một địa phương nào đó.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (trái) và ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM chủ trì hội thảo
Tại tỉnh Phú Yên, trong khoảng 200 dự án đầu tư vào tỉnh thì có hơn 50 dự án bị vướng trong khâu này. "Trong việc bồi thường, thu hồi đất có một thực tế đau lòng là người dân càng ù lì thì càng có lợi. Nhà đầu tư phải đi "cửa sau" để bồi thường để có mặt bằng thi công, gây mất công bằng" - ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên, nói.
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, thừa nhận điều này. "Có dự án việc đền bù ban đầu thì dễ nhưng càng về sau càng khó khi nhiều người nghĩ rằng dự án đã làm như thế thì không thể bỏ dở nên họ đòi hỏi. Có dự án chủ đầu tư phải bồi thường gấp mấy chục lần so với trước. Tỉnh Phú Yên cũng có nhiều dự án phải "đứng bánh" vì vướng" – ông Tiến nói.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng tỉnh này có rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nỗ lực của các cấp chính quyền trong thu hút đầu tư nhưng việc đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn có một số khó khăn nhất định khiến cho một số dự án đang triển khai chậm tiến độ, các nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào tỉnh còn ngần ngại, e dè, chưa quyết tâm bỏ vốn đầu tư tại tỉnh. "Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn nêu trên đến từ việc các quy định của pháp luật về đầu tư còn chồng chéo, chưa sát với thực tế, chưa điều chỉnh kịp các mối quan hệ phát sinh trong quá trình đầu tư" – ông Thế nhìn nhận.
Hội thảo có nhiều chuyên gia, đại diện các bộ ngành tham gia
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng một trong những điểm gây vướng lớn nhất trong thủ tục pháp lý hiện nay là tình trạng chồng chéo và xung đột pháp luật. Hiện nay 1 dự án kinh doanh phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Phòng cháy chữa cháy. Các luật này có nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, điều lo ngại là các quy định này chưa thống nhất, đôi khi xung đột gây khó khăn cho cả nhà đầu lẫn cơ quan quản lý nhà nước. "Một nghiên cứu của chúng tôi vào cuối năm 2019 cho thấy chỉ trong nhóm thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường thì đã có ít nhất 25 điểm chồng chéo giữa các đạo luật" – ông Tuấn cho biết.
Cần tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư
Tại hội thảo, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia cho rằng để gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư thì cần thiết phải tách khâu này ra khỏi dự án đầu tư. Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Phú Yên, cho rằng trong việc đầu tư cần phải hài hòa lợi ích 3 bên: nhà nước, chủ đất và nhà đầu tư. Tuy nhiên có 1 thực tế khi giá đất được phê duyệt để áp giá đền bù thì lúc đó giá đất không còn như cũ, người dân sẽ đòi hỏi và từ đó gây khó khăn. "Bây giờ đặt ra vấn đề doanh nghiệp giải phóng mặt bằng thỏa thuận với chủ đất rồi thực hiện nghĩa vụ tài chính, lúc đó chính quyền đưa ra đấu giá đất để giao đất sạch cho doanh nghiệp liệu có tốt hơn không" – ông Châu đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Phú Yên đặt vấn đề để đẩy nhanh thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng
Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh, đặt vấn đề địa phương nên xem xét khấu trừ vào tiền thuê đất sự chênh lệch giữa giá đền bù thực tế của nhà đầu tư so với giá đất quy định của nhà nước vì giá đền bù thực tế thường cao hơn rất nhiều so với giá quy định.
Bà Phạm Thị Hương Giang, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, cho biết để gỡ vướng mắc này, trong Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được ban hành vào ngày 28-7-2021, Quốc hội đã quyết định giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Sau đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp rà soát để hoàn thiện đề án thí điểm này. "Đây là hướng đi mới, đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà soạn thảo và ban hành pháp luật để làm sao xây dựng được một cơ chế hiệu quả hơn so với cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước đây" – bà Giang nhìn nhận.
Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng bồi thường tái định cư của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng cho rằng nên tách việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Thơ, sau khi tách thì chỉ tập trung cho việc hỗ trợ tái định cư, vì việc giải phóng mặt bằng rất rộng, cả việc rà phá bom mìn cũng nằm trong giải phóng mặt bằng, chỉ cần vướng 1 khâu nhỏ cũng làm dự án dậm chân.
Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng bồi thường tái định cư của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM nêu kinh nghiệm giải phóng mặt bằng nhanh ở TP HCM trước đây
Kết thúc hội thảo, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP HCM, cho rằng "Việc báo chí tham gia cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh sẽ là một động lực quan trọng cho đất nước nói chung và các địa phương nói riêng ngày thêm phát triển".
Cần cơ chế ưu tiên cho cụm công nghiệp
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần phải xác định cụm công nghiệp giúp cho nông dân, nông thôn phát triển vì vậy phải có cơ chế ưu tiên cho cụm công nghiệp. "Vốn nhà nước đầu tư cho xây dựng hạ tầng cho cụm công nghiệp còn ít quá. Tại sao chúng ta quan tâm đến việc xử lý môi trường của khu công nghiệp mà không quan tậm đến xử lý môi trường ở cụm công nghiệp. Nó là như nhau" – ông Thiên nói rồi cho rằng nhà nước cũng không nên "ôm hết" việc xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp mà nên kêu gọi nhà đầu tư vào làm mới dễ phát triển.
Bình luận (0)