Trong số các dự án trọng điểm chậm hoàn thành ở Bình Dương - ít nhiều do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đáng kể nhất là dự án bệnh viện 1.500 giường. Đây là dự án y tế lớn nhất tỉnh Bình Dương được người dân mong đợi vì Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đã cũ và quá tải.
Tạo điều kiện để 4 bệnh viện về đích
Dự án bệnh viện 1.500 giường (vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng) được bố trí vốn, khởi công xây dựng phần móng từ cuối năm 2014 đến năm 2016 thì xong. Tuy nhiên, công trình sau đó "đắp chiếu" suốt gần 3 năm. Đến đầu năm 2019, dự án mới thi công trở lại. Gần đây nhất, Ban Quản lý dự án hứa hẹn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Song, đến nay, chỉ còn chưa đầy 3 tháng là hết năm 2021, dự án này vẫn còn nhiều hạng mục dang dở, khó về đích theo tiến độ.
Lý giải về sự chậm trễ trên, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương (đơn vị được giao làm chủ đầu tư) cho biết phần thô công trình đã tương đối hoàn chỉnh, đơn vị đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, nhiều hạng mục trong phần hoàn thiện cần thiết bị, máy móc nhập từ nước ngoài nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thủ tục liên quan gặp khó khăn. Bên cạnh đó, trong dự án còn 1 hộ dân vẫn chưa nhận bồi thường để di dời. Hộ này nằm trên đường bố trí cáp ngầm. Kèm theo đó, trạm xử lý nước thải cho bệnh viện cũng đang được xây dựng.
"Nếu mọi việc thuận lợi, đến hết năm 2021 thì việc thi công toàn bộ dự án mới hoàn tất và bàn giao cho Sở Y tế vào đầu năm 2022" - đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương cam kết.
Liên quan đến các công trình trọng điểm trong lĩnh vực y tế chậm hoàn thành theo tiến độ ở Bình Dương, 3 dự án bệnh viện chuyên khoa đã xây dựng xong 2 năm nay nhưng chưa thể bàn giao đưa vào vận hành gồm: Bệnh viện phụ sản, bệnh viện chuyên khoa lao phổi và bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án này lên đến hơn 900 tỉ đồng.
Các bệnh viện chuyên khoa này cũng do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương thực hiện phần xây dựng (khoảng từ năm 2014 đến 2018), sau đó bàn giao cho Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương vận hành. Tuy nhiên, quá trình bàn giao đã mấy năm mà vẫn chưa hoàn tất được vì nhiều lý do, như thời gian triển khai việc lắp đặt trang thiết bị và khắc phục một số lỗi xây dựng kéo dài; chưa thống nhất được việc hoàn thành cải tạo, sửa chữa...
Trước những vướng mắc này, tỉnh Bình Dương đã đề ra hàng loạt giải pháp để tháo gỡ, trong đó ưu tiên tạo mọi điều kiện để các dự án sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tiếp tục phát huy vai trò của mình, phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung thực hiện nhiệm vụ, quyết tâm hoàn thành một cách sớm nhất; yêu cầu chủ đầu tư mời tất cả nhà thầu và đơn vị tư vấn liên quan đến dự án bệnh viện để quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, nắm bắt những khó khăn, kịp thời tháo gỡ. Riêng việc nhập trang thiết bị cũng được tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tạo điều kiện ưu tiên tối đa.
Cắt bỏ, tạm dừng các dự án kém hiệu quả
Ngoài việc đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh Bình Dương còn đưa ra nhiều giải pháp để nhanh chóng khởi công các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, khối hạ tầng kinh tế là 53.577 tỉ đồng, hạ tầng văn hóa - xã hội là 3.673 tỉ đồng, vốn tỉnh hỗ trợ cấp huyện là 7.100 tỉ đồng, vốn chi ngân sách địa phương là 4.162 tỉ đồng. Ngoài ra, khoảng 215 dự án đang được các chủ đầu tư, UBND cấp huyện nghiên cứu đề xuất với tổng mức đầu tư khoảng 101.582 tỉ đồng.
Trong năm 2021, Bình Dương dự kiến khởi công một số công trình như: Trung tâm hành chính huyện Bắc Tân Uyên, đường Lê Chí Dân (TP Thủ Dầu Một), cầu Bạch Đằng 2 (bắc qua sông Đồng Nai), Bệnh viện Đa khoa thị xã Tân Uyên quy mô 200 giường (định hướng 400 giường), xây dựng đường và cầu kết nối với tỉnh Tây Ninh...
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, những dự án này cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể triển khai các bước họp dân, đo đạc, lập hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, họp thẩm định dự án...
Ngoài ra, các dự án khởi công mới, nhất là dự án sử dụng ngân sách trung ương, chậm triển khai còn do quy trình phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách trung ương và các thủ tục đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương kéo dài, ảnh hưởng đến việc giao vốn kế hoạch và giải ngân các dự án trong kế hoạch năm 2021.
Để các công trình được thực hiện theo kế hoạch và hiệu quả, UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tổ chức rà soát toàn bộ dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn. Đặc biệt, kiên quyết cắt bỏ, tạm ngừng các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; đẩy mạnh công tác lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc, đi lại và hội họp giữa các địa phương.
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Ngoài các giải pháp trên, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu (đơn vị chủ đầu tư dự án) trong việc khảo sát, xác định quy mô, tổng mức đầu tư trong quá trình lập hồ sơ; trách nhiệm lựa chọn, đôn đốc, giám sát, chỉ đạo các nhà thầu trong từng khâu thiết kế, thi công, nghiệm thu bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện dự án.
UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương trong công tác thẩm định, góp ý, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án; triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện của tổ kiểm tra giám sát công tác đầu tư công và hoạt động của ban chỉ đạo theo Quyết định 1362 của UBND tỉnh.
Bình luận (0)